Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Sinh viên - bạn cần gì?


Gửi các bạn sinh viên những trăn trở của một người trẻ tuổi.

Giờ này có thể bạn đang ngủ rất ngon. Tôi thì không dù đồng hồ chỉ đúng 5h sáng. Mấy nay cứ trăn trở nhiều thứ, thức khuya lắm! Nhiều khi cũng thắc mắc không biết mình có phải 25 tuổi không? Thấy mình già so với tuổi quá.

Đây không phải là một chủ đề to tát hoặc mới mẻ gì, nhưng tôi trăn trở nên chia sẻ, thế thôi!

Tôi nhớ trong một tác phẩm nào đó của nhà văn Phan Việt có đoạn: “Nếu có một thời điểm nào đó trong cuộc sống, mà chúng ta cần phải và nên bị dúi xuống bùn lầy tăm tối, tốt nhất hãy chọn lúc 18 – 25 tuổi, lúc mà bạn có cả sức khỏe lẫn sự dẻo dai, cả hưng phấn lẫn thất vọng, cả niềm tin sắt đá lẫn sự ngoan cố mù quáng, cả sự hiểu biết bằng bản năng và trực giác chưa bị pha tạp lẫn sự tăm tối vì mơ hồ nhận thấy những lực cản của xã hội. Nghĩa là có tất cả mà lại chẳng có gì vững chắc”. Tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ của tác giả. Tôi đặt tên cho khoảng thời gian ấy là Tuổi Trẻ. Chẳng phải dưới 18 hoặc trên 25 thì không trẻ nữa, nhưng tôi thấy 8 năm ấy mới thật sự là đẹp nhất của giai đoạn tuổi trẻ. Ở cái tuổi ôm trọn thời sinh viên này, lẽ ra các bạn phải dấn thân thật nhiều, trằn trọc, suy tư thật nhiều về cuộc đời, về xã hội, về dân tộc,… thậm chí mất ăn mất ngủ, thao thức đêm dài.

Có quá nhiều câu chuyện kể về những con người sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, cùng cực để rồi họ có động lực vươn lên thành công. Tôi từng đọc và cả tiếp xúc với những con người ấy và tôi nghĩ: “Nếu ở trong hoàn cảnh đó, mình cũng sẽ có động lực vươn lên như họ thôi”. Hoặc cũng không thiếu những câu chuyện về những người thành công được sinh ra trong một nền tảng gia đình rất tốt, ba mẹ đều thành công và họ ý thức được tầm quan trọng của việc đầu tư vào giáo dục cho con cái. Tôi cũng biết và tiếp xúc với nhiều người thuộc nhóm này, rồi tôi cũng từng nghĩ: “Gia đình họ có điều kiện và nền tảng như vậy, việc họ thành công không có gì đáng ngạc nhiên cả”. Nếu bạn cũng có những suy nghĩ giống như tôi cho hai trường hợp trên, thì tôi chia sẻ rằng đó chỉ là sự biện hộ thôi. Cả hai nhóm người trên đều đáng ngưỡng mộ và trân trọng bởi họ đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Tôi thì thuộc nhóm người ở giữa và tôi nghĩ mình giống đa số các bạn. Nói một cách văn vẻ đây là nhóm người mắc kẹt ở mức trung bình về nhiều mặt. Gia đình tôi không giàu, nhưng cũng không quá nghèo (tuy là hơi nghèo vào cái thời đất nước còn khó khăn, gia đình nào cũng vậy thôi). Tôi học không xuất sắc, nhưng cũng không dở. Tôi không tự ti, nhưng cũng chẳng tự tin về mình lắm. Tôi không có nhiều mối quan hệ trong cuộc sống, nhưng cũng có không ít bạn bè,… Tôi nói như vậy chỉ để muốn chia sẻ với bạn rằng ai cũng có thể vươn lên cho dù xuất thân trong hoàn cảnh gia đình như thế nào, thành tích học tập ra sao, thông mình vừa vừa, thông minh kiệt xuất, hay ngu si đần độn,… Chỉ cần một tư duy đúng đắn, nuôi dưỡng khát vọng lớn và dám dấn thân lăn xả từng việc nhỏ bằng tất cả trách nhiệm của mình. Ai cũng có thể vươn lên!

Cứ mỗi lần tiếp xúc với các bạn sinh viên là tôi lại đau đáu trong lòng. Những câu hỏi các bạn đặt ra cho tôi nhiều khi khiến tôi phát bực nhưng phải làm chủ cảm xúc để giữ thái độ bình tĩnh. Hoặc cũng không ít lần khi nghe hỏi xong, tôi chỉ biết cười trừ vì thật sự không biết phải trả lời sao cho thỏa đáng nữa. Tôi xót xa không biết tại sao những câu hỏi ấy lại được nêu lên dù biết là không nên vùi dập từ trong trứng nước, cần khuyến khích dám đặt câu hỏi khi có thắc mắc vì đó là cách rất hay để học hỏi. Nhưng thông qua những câu hỏi ấy, tôi thấy một thực trạng tư duy kém cỏi, thiển cận và bị động đang ăn sâu vào trong nhiều bạn sinh viên.

Trong một lần tọa đàm thân mật với khoảng 20 bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau, có một bạn sinh viên năm cuối khối ngành kinh tế hỏi tôi rằng: “Anh ơi, trong 4 năm học đại học, em không tham gia hoạt động hoặc đi làm thêm gì hết, vậy thì bây giờ em điền cái gì vào CV để xin việc đây anh?”. Khi tôi hỏi ngược lại những người tham dự hôm ấy là ai cũng ở trong tình trạng giống vậy, thì quá ngạc nhiên là khoảng 60% cánh tay giơ lên. Trời ơi! Tôi chỉ muốn hét thật to với nhóm bạn trẻ đó (may là tôi giữ được sự bình tĩnh để từ tốn chia sẻ): “Các em ơi, sao các em đi tìm một thứ mà chắn chắn là không có trên đời này vậy? Các em muốn thành công mà không phải trả giá? Các em muốn học giỏi mà không có những đêm thức trắng vùi đầu vào đèn sách sao? Làm gì có cái thứ đó trên đời này”. Tôi đang nói đến một tư duy vô cùng nguy hiểm ở các bạn sinh viên, tư duy mì ăn liền. Cái gì cũng muốn có ngay kết quả mà không phải bỏ công sức. Cái gì cũng muốn người ta mang đến dâng cho mình, ngồi rung đùi mà hưởng trái ngọt.

Khi huấn luyện một khóa học với chủ đề “Sẵn sàng cho sự nghiệp”, tôi ngạc nhiên khi thấy có khá nhiều bạn sinh viên mong muốn bước vô khóa học để được nghe về cách trả lời phỏng vấn, cách viết CV sao cho hay, cách làm sao để thi đậu vào chương trình MT (Management Trainee – đây là một cuộc thi nhằm tìm kiếm những tài năng trẻ của các tập đoàn đa quốc gia rất được giới sinh viên quan tâm). Nói chung là các bạn cần những cái có thể xài được liền, tạo kết quả ngay tức thì. Thực dụng không có gì là xấu cả, tuy nhiên nó chỉ phát huy hiệu quả khi bạn có một nền tảng nhận thức vững chắc về sự nghiệp, về tư duy lãnh đạo, về phong cách làm việc, về văn hóa ứng xử nơi công sở,... Hay nói một cách khác là nội lực của bạn có mạnh thì kỹ năng mới phát huy tác dụng. Khi hỏi thăm thì tôi biết được các bạn rất ít tham gia vào những hoạt động xã hội, các câu lạc bộ đội nhóm và nỗ lực vươn lên nhiều vai trò lãnh đạo khác nhau. Vậy mà ai cũng muốn thi đậu vào MT? Tôi giả sử các bạn may mắn trả lời phỏng vấn tốt để vào được chương trình này, thì liệu bạn có “sống” và tỏa sáng được trong đó hay không là điều bạn cần suy nghĩ. Tôi rất tâm đắc với cách nhìn nhận của Chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung rằng “Ta là sản phẩm của chính mình”, vậy thì cái sản phẩm BẠN ngày hôm nay có cạnh tranh được với những “đối thủ” khác về tư duy, nhận thức, thái độ, kiến thức, kỹ năng,… hay không? Đối với đồ ăn thì người ta cũng ráng suy nghĩ cho ra những phương cách “mì ăn liền” để đáp ứng với đỏi hỏi ngày càng gắt gao và cạnh tranh của xã hội, nhưng với thành công thì làm sao có thể như vậy được?

Tư duy thứ hai là tư duy đòi hỏi. Các bạn đòi hỏi nhiều quá, nhiều hơn những gì các bạn bỏ ra. Các bạn sinh viên đa số đều rất tự tin về kiến thức của mình, đó là con dao hai lưỡi. Tự tin là tốt, nhưng tự tin bao nhiêu thì cần phải nỗ lực chui rèn bản thân không ngừng. Các bạn đang dán cái mác “ĐẠI học” quá lớn vào mình để kết luận rằng kiến thức đã đủ cho công việc và mình có quyền đòi hỏi công ty phải trả mức lương tương xứng với 4 năm dùi mãi kinh sử trên ghế nhà trường. Có nhiều bạn khi tôi hỏi về công việc bạn mong muốn sau khi ra trường, bạn mô tả muốn làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia với thu nhập ít nhất là 800 USD/tháng. Tôi hỏi tiếp: “Vậy em có cái gì để người ta phải trả em 800 USD/tháng?”. Bạn… cứng họng!

Các bạn ơi, mơ lớn là tốt. Bạn muốn mức lương bao nhiêu cũng được, không những 800 USD/tháng, mà thậm chí 8000 hay 80.000 USD cũng được. Nhưng, bạn cần phải trả lời câu hỏi là bạn có cái gì để người ta phải trả cho bạn mức lương đó? Bạn có nghĩ công việc photocopy cũng có thể làm xuất sắc hơn bình thường được hay không? Bạn phải thay thế tư duy đòi hỏi bằng một tinh thần cống hiến hăng say, không ngại việc, không chê việc, làm với tất trách nhiệm và chuẩn mực cao nhất để đổi lại kinh nghiệm và sự tín nhiệm. Chứng minh cho họ thấy đi đã, khoan đòi hỏi, rồi bạn sẽ được trả công xứng đáng sau này.

Ngoài ra, các bạn chỉ muốn nhận mà không muốn trả giá. Từ “giá” ở đây tôi muốn nói ở cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Tôi diễn thuyết cho sinh viên khá nhiều, cái gì miễn phí thì bạn đến đông lắm. Nhưng cái gì cần một khoản đầu tư để học hỏi sâu hơn thì hình như với bạn nhiêu đó “hàng” miễn phí là đủ rồi. Bạn chê mắc, bạn tiếc tiền, bạn thấy không cần thiết. Rồi thì sau này cái giá mà bạn thật sự sẽ trả còn đắt hơn nhiều. Bạn tiếc tiền đầu tư vào bản thân thì xem như bạn cũng tiếc thành công.

Cuối cùng, điều khiến tôi trăn trở nhiều nhất ở các bạn sinh viên là các bạn không có một khát vọng lớn. Cách đây hai tuần, tôi kết hợp với một tổ chức nhân sự uy tín để tổ chức một khóa huấn luyện dành cho những sinh viên đã qua chọn lọc, nhằm mục đích trang bị cho các bạn cách tư duy của một nhà lãnh đạo tương lai. Khóa huấn luyện kết thúc rồi nhưng dư âm của nó khiến tôi trằn trọc mãi. Tôi băn khoăn, lo ngại về Tuổi Trẻ hiện nay, lứa tuổi mà tôi cũng thuộc về. Rồi Việt Nam chúng ta sẽ ra sao khi mà những con người chủ nhân tương lai của đất nước lại có những suy nghĩ và biểu hiện như vậy? Trách ai bây giờ đây? Tôi không dám vơ đũa cả nắm, bởi tôi tin rằng vẫn có rất nhiều bạn trẻ đang từng ngày nỗ lực vươn lên với những khát vọng lớn lao, phục vụ trước hết cho đất nước, sau đó mới đến bản thân mình. Nhưng tôi muốn dấy lên một thực trạng đáng báo động ngày nay ở một số lượng lớn các bạn sinh viên: các bạn suy nghĩ nhỏ quá. Đó là chỉ mong làm sao có đủ tiền sống mỗi ngày; làm sao có thể thi đậu tốt nghiệp tốt nghiệp nếu không sẽ bị ba mẹ la; làm sao để có thể tìm được một công việc ổn định sau khi ra trường; làm sao có thể tự lo được cho bản thân sau khi tốt nghiệp,... Tôi cũng từng như vậy, y chang các bạn thôi. Nhưng bạn ơi, bạn cần biết rằng điều đáng sợ nhất của một đất nước không phải là nghèo nàn về tài nguyên khoáng sản; không phải là đất nhỏ ít dân; mà điều đáng sợ nhất là đất nước ấy chỉ tập hợp những con người không dám khát vọng lớn, không dám ước mơ lớn. Ai cũng muốn nước mình giàu mạnh, ai cũng muốn Việt Nam có thể vươn ra tầm châu lục, thậm chí là sân chơi toàn cầu; nhưng ai cũng suy nghĩ nhỏ nhặt, ai cũng chỉ nghĩ cho riêng cho bản thân mình thôi thì làm sao có thể cùng nắm tay nhau đi lên được đây? Bạn có thể trông chờ điều gì trong khi mỗi ngày mình chỉ biết la cà những quán café, quán nhậu, những thú vui cho quên đời quên sầu, giết thời gian. Tôi thật sự lo, lo lắm các bạn ạ!

Than vãn rồi cũng thế thôi, bây giờ cần phải làm gì đây? Câu hỏi này quả là rất rộng và quá khó với tôi. Nhưng nếu chỉ được chọn một điều duy nhất để chia sẻ với sinh viên, trong giới hạn kinh nghiệm và hiểu biết của mình, tôi muốn nói rằng các bạn cần phải CHỦ ĐỘNG. Các bạn còn bị động quá, điển hình là mỗi khi tọa đàm (tức là một dạng hỏi đáp chia sẻ kinh nghiệm), tôi hỏi là có ai có câu hỏi gì không thì chỉ một sự im lặng đáng sợ xuất hiện. Tôi hỏi tại sao thì các bạn nói rằng đến đây để được nghe anh chia sẻ gì đó. Các bạn ơi, cần phải thay đổi tư duy ngay đi, CHỦ ĐỘNG lên. Đừng ngồi đó mà mong người ta đem thành công đến với bạn. Đừng chỉ biết nộp đơn rồi cầu mong nhà tuyển dụng gọi điện và mời bạn ký hợp đồng. Đừng mỗi ngày chỉ có đến trường rồi quay về nhà mà mong mình sẽ tỏa sáng trong sự nghiệp sau này. Đừng kêu than oán trách việc giáo dục đại học thế này thế kia, thiếu thực tiễn, toàn lý thuyết,… Ai cũng có công việc và trách nhiệm của họ thôi. Nhiệm vụ của bạn là học và hãy biết nỗ lực học một cách chủ động. Nó xuất phát từ ý thức “Ta là sản phẩm của chính mình” để chuyển vai trò đầy tớ sang vai trò ông chủ của quá trình học. Chính bạn mới là người đề ra những cái mình cần học dưới sự hướng dẫn của thầy cô hoặc những người trước, rồi nỗ lực học tập bằng phương pháp học sáng tạo. Sự học cũng cần mở rộng cách nhìn nhận. Không phải cứ phải có cái bàn, cái ghế, quyển vở, cây bút thì mới gọi là học. Học ở bất kì đâu, học từ bất kì ai. Chỉ cần một cái đầu rộng mở, chịu khó quan sát, trao đổi, đánh giá, phân tích, thắc mắc là được. Thay đổi cả hệ thống thì khó, nhưng thay đổi bắt đầu từ chính bản thân mình thì ai cũng làm được, chỉ là bạn có muốn hay không thôi?

Vài trăn trở của một người trẻ tuổi gửi đến Tuổi Trẻ. Giai đoạn 18 – 25 thật đẹp, đừng phung phí thời gian để biến mình thành một thế hệ lu mờ của xã hội.

5h sáng ngày 3/7/2012

ST

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Thư Mẹ gửi con gái


 “Có lẽ nụ hôn chiều nay vẫn làm con ngây ngất. Tim mẹ như ngừng đập khi nhận ra đó là con, và cậu bạn vẫn đến giúp bố sửa máy vi tính! Vậy là con gái mẹ, 18 tuổi, đã yêu và đã hôn!

Thực lòng, điều đầu tiên mẹ muốn là ngăn cấm con. Mẹ muốn nói với con về kỳ thi đang lúc nước sôi lửa bỏng. Về chuyện “hãy đợi” đến khi đủ chín chắn. Nhưng cuối cùng, mẹ quyết định để con tự lựa chọn. Bởi nếu đó không phải là những cảm xúc thoáng qua mà là một tình yêu thực sự thì sẽ là điều đáng tiếc...”.

“Tình yêu thật sự không phải là cảm xúc, dù nó thường đến cùng những cảm xúc mạnh đến mức làm con người choáng ngợp. Tình yêu không thể kéo dài nếu hai người chỉ có cảm xúc với nhau.
Sự hiểu biết lẫn nhau mới là nền tảng của tình yêu thật sự. Con có thể “phải lòng” một chàng trai thậm chí chưa bao giờ nói chuyện. Nhưng để có một tình yêu thật sự, con cần phải tìm hiểu về người ấy. Bởi biết về tư cách và cá tính người mình yêu là vô cùng quan trọng.
Cùng chung một mục đích sống sẽ giúp cho con và người ấy có được tình yêu dài lâu, bởi các con sẽ đi cùng hướng suốt cuộc đời. Nếu tham vọng của con trở thành một doanh nhân quốc tế, còn điều duy nhất người ấy mong ước là một mái ấm sum vầy, no đói có nhau, thì chắc chắn là xung đột sẽ nảy sinh. Nếu con khao khát một cuộc sống đổi thay, đầy thử thách, còn người ấy yêu một cuộc sống tĩnh lặng, thanh thản, thì dù cảm xúc có lớn đến mấy, sẽ cũng có lúc những cá tính sẽ va chạm. Và tình yêu sẽ tan vỡ cho dù hai người vẫn còn cảm xúc với nhau.
Tình yêu không phải là tình dục. Tình dục được tạo ra cho hôn nhân - một sự cam kết lâu dài. Nếu vượt ra ngoài hôn nhân, tình dục chỉ mang lại hậu quả khắc nghiệt: có thai ngoài ý muốn, những căn bệnh lây lan qua đường tình dục, điều tiếng dư luận, và có thể cả sự xấu hổ tủi thẹn. Một mối quan hệ chỉ dựa trên sự ham muốn. Con có hiểu không?

Tình yêu là sự lựa chọn. Là một sự cam kết. Mặc dù cảm xúc là một phần không thể thiếu được của tình yêu, mặc dù tình dục là một phần của hôn nhân, thì tình yêu cũng không thể tồn tại nếu chỉ dựa vào những điều đó”.

 "Nếu con hỏi mẹ tình yêu là gì, thì mẹ sẽ nói với con:
Yêu, là nhìn thấy ở người đó những điều không hoàn hảo mà vẫn yêu.
Yêu, là muốn mang lại cho người mình yêu những điều tốt đẹp nhất.
Yêu, là không mất trí, vẫn học quên mình, vẫn dành trái tim cho gia đình và bè bạn...
Yêu, là dành thời gian, công sức để tìm hiểu tâm hồn và tính cách của nhau.
Yêu, là dành thời gian và công sức để tìm hiểu và yêu quý những gì mà người con yêu gắn bó.
Yêu, là tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau.
Yêu, là nếu tranh cãi thì không thường xuyên và cũng không nghiêm trọng.
Yêu, là nếu tranh cãi chỉ giúp hiểu nhau hơn và tình yêu bền vững hơn.
Yêu, là hướng tới một mối quan hệ lâu dài.
Yêu, là khi xa cách, chỉ thấy yêu hơn và gắn bó hơn.

Yêu, không phải là gánh nặng để tạo ra Hạnh phúc mà nó là điều tự nhiên mang đến Hạnh phúc.
Tình yêu là vậy, con ạ! 

Chỉ yêu nếu đó là tình yêu thật sự. Mẹ tin vào sự lựa chọn của con”.

Sưu tầm

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Giúp con trở thành cầu thủ

TT - Ngoài yếu tố nhanh nhẹn, khéo léo thì cầu thủ bóng đá VN luôn thua thiệt cầu thủ ngoại khi tranh chấp bóng tay đôi do hạn chế về thể lực và thể hình.
Các cầu thủ “nhí” của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG trên sân tập - Ảnh: S.H.

Cần khắc phục những điểm yếu này như thế nào ngay từ thuở trẻ tập tễnh đến với bóng đá?
Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ thể thao Đồng Xuân Lâm, thành viên Viện Khoa học TDTT, hiện được biệt phái vào làm việc cho CLB Hoàng Anh Gia Lai ở khâu chuẩn bị thể lực, dinh dưỡng cho cầu thủ chuyên nghiệp và cầu thủ trẻ Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG. Ông Đồng Xuân Lâm cho biết:
- Cầu thủ VN phần lớn xuất thân từ gia đình nghèo hoặc vùng nông thôn. Ra đời trong điều kiện thiếu thốn như thế thì làm sao đủ sữa hoặc có thức ăn đủ chất dinh dưỡng cao. Đã vậy nhiều em phải tham gia lao động phụ giúp gia đình từ sớm, từ đó dẫn tới việc phát triển không toàn diện về thể chất và cân bằng. Thí dụ: em có được chiều cao thì không có bề ngang, người có sức mạnh thì thiếu sức nhanh, nhiều em dẻo dai, nhanh nhẹn thì thể hình thấp bé, nhẹ cân.
Những bất lợi nói trên không những liên quan tới yếu tố phát triển về thể chất mà còn kéo theo hệ lụy yếu kém trong việc phát triển tâm lý, tinh thần, bởi một VĐV thể thao đỉnh cao cần thiết phải có trạng thái tâm lý thần kinh mạnh, vững và cân bằng.
Bác sĩ Đồng Xuân Lâm - Ảnh: S.H.
* Thưa ông, để một trẻ em trong độ tuổi 6-18 có thể phát triển tốt nhất về chiều cao, cân nặng, thể lực thì cần được gia đình chăm sóc như thế nào để có thể trở thành cầu thủ đạt chuẩn trong tương lai?
- Từ 6 đến dưới 18 tuổi, trẻ em cần được phát triển chiều cao một cách tự nhiên và tuyệt đối tránh tất cả những bài tập vận động có tải trọng nặng đè lên khung xương thì mới mong không bị lùn đáng tiếc. Phải để các em vui chơi tự nhiên để có thể phát triển sự nhanh nhẹn, dẻo dai và làm quen dần với chiến thuật kỹ thuật bóng đá, tránh xa việc tập tạ, tập sức mạnh tốc độ, sức bền tốc độ.
Về mặt dinh dưỡng, để trẻ em có thể phát triển tối ưu chiều cao, cân nặng thì nên áp dụng chế độ ăn theo các nhóm thức ăn dưới đây:
Cho trẻ ăn bánh mì đen, uống sữa tươi ít béo (dưới 1% bơ) là thực phẩm chủ đạo trong khẩu phần dinh dưỡng với VĐV trong độ tuổi phát triển. Hai loại thực phẩm này giúp cung cấp khoáng chất, chất xơ, đường bột, vi lượng, siêu vi lượng, chất đạm rất dồi dào và được hấp thu tự nhiên.
Ngoài ra, vẫn phải tuân thủ theo chế độ ăn thể thao. Cụ thể là lượng chất đường (đường chậm), tinh bột phải chiếm 65-70%, chất protein 15% (1/2 là thực vật, 1/2 là động vật), dầu mỡ 15-20% (1/2 thực vật, 1/2 động vật).
Nước uống cũng chiếm vai trò quan trọng. Khi tập được 15 phút, nên cho trẻ em uống đủ lượng nước cần thiết (nước uống thể thao) để bù lượng nước, điện giải cũng như lượng vitamin bị giảm, đồng thời tránh việc bị chuột rút (vọp bẻ), chấn thương các nhóm cơ. Mỗi lần phải uống 100-200ml (tùy theo độ tuổi) khi trời nắng nóng, với thời tiết mát thì lượng nước ít hơn. Sau buổi tập, trẻ cần phải uống nước liên tục cho đến khi đi tiểu và tiểu ra nước trong thì lượng nước trong cơ thể đã được bù đắp đầy đủ.
Mỗi ngày trẻ em cần phải ngủ chín giờ, trong đó một giờ vào buổi trưa và tám giờ vào ban đêm thì thể lực mới được hồi phục, tỉnh táo để có thể tiếp thu bài giảng ở học đường rồi tiếp đó là tập luyện thể thao.
* Được biết, ngoài việc chăm chút cho CLB Hoàng Anh Gia Lai, bác sĩ còn phụ trách mảng dinh dưỡng cho Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG. Ông có thể cho biết đôi nét về chế độ dinh dưỡng dành cho các cầu thủ tiềm năng này như thế nào?
- Thực đơn hằng ngày (ba buổi) của cầu thủ học viện do tôi chỉ định cộng với sự góp ý của bộ phận cấp dưỡng. Yêu cầu đặt ra là việc ăn uống phải đầy đủ lượng calo, đủ dưỡng chất và cân bằng.
Việc dinh dưỡng của các em ở học viện cũng bao quanh nhóm thức ăn như tôi đề cập ở phần trên, nhưng chúng tôi chú trọng đến loại hải sản, sữa và các sản phẩm từ sữa để tăng chất đạm, chất canxi, manhê, khoáng chất. Sau mỗi bữa ăn, các em đều phải dùng sữa chua vi sinh để tăng cường tiêu hóa, tăng hiệu suất hấp thu dinh dưỡng. Xấp xỉ tuổi 18 thì mỗi người phải dùng 1 lít sữa/ngày, dưới tuổi này thì khoảng 1/2 lít, kèm theo đó là các loại sữa chua. Trái cây bắt buộc phải có theo dạng mùa nào thức nấy.
* Bác sĩ có lời khuyên gì đối với các bậc phụ huynh đang muốn con em trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp?
- Nếu các em muốn đến với thể thao chuyên nghiệp thì lời khuyên chân thành nhất là cần có năng khiếu đặc biệt, nổi trội hơn các bạn đồng trang lứa, và nhất là phải yêu thích môn thể thao đó. Bên cạnh việc chơi thể thao, phải hướng dẫn hay bắt buộc các em học văn hóa và ngoại ngữ. Vì chơi thể thao chuyên nghiệp rất cần có kiến thức để nhanh chóng nắm bắt, tiếp thu bài giảng của HLV. Có kiến thức không chỉ giúp các em hội nhập nhanh mà còn biết cách sáng tạo, dệt nên những ước mơ cháy bỏng, thúc giục các em phấn đấu mạnh mẽ với mục tiêu đặt ra của chính mình.
SĨ HUYÊN thực hiện
Đề án phát triển tầm vóc người Việt Nam
Giáo sư Dương Nghiệp Chí - nguyên viện trưởng Viện Khoa học TDTT Việt Nam, cho biết hiện nay Viện Dinh dưỡng quốc gia có một đề án mang tên “Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực tầm vóc người Việt Nam”. Đề án có thử nghiệm các can thiệp nhằm cải thiện tầm vóc của trẻ từ 0-15 tuổi, đồng thời các nhà khoa học cũng tìm hiểu và đưa ra chế độ dinh dưỡng phù hợp đối với từng lứa tuổi trong quá trình sinh trưởng, phát triển của trẻ. Ví dụ trẻ từ 0-5 tuổi, từ 5-10 tuổi, từ 10-15 tuổi, mỗi giai đoạn sẽ phải được cung cấp bao nhiêu năng lượng trong một bữa ăn, thành phần tinh bột, chất đạm, chất béo ra sao...
Theo giáo sư Dương Nghiệp Chí, có hai giai đoạn phát triển cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe thể chất của một con người bình thường nói chung và VĐV thể thao nói riêng, đó là giai đoạn từ bào thai đến 1 tuổi và giai đoạn từ 6-14 tuổi (giai đoạn tiền dậy thì). Nếu hai giai đoạn này đứa trẻ không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thì lớn lên chắc chắn không thể đáp ứng được những yêu cầu về thể chất hoàn thiện, nhất là cho thể thao thành tích cao. Nếu chỉ chú ý đến dinh dưỡng một trong hai giai đoạn thì cũng không đảm bảo được.
K.XUÂN