BS LÊ VĂN XANH
GIỚI THIỆU VỀ Y HỌC THỂ DỤC THỂ THAO
1.1. Khái niệm về y học :
Theo định nghĩa của tổ chức y tế thế giới y học là môn khoa học nghiên cứu bệnh lý, cách phòng và chữa bệnh. Như vậy, đối tượng nghiên cứu của y học là những bệnh nhân, những người có khả năng hoạt động thể lực dưới mức bình thường. Với một mục đích chung nhất mà tất cả các chuyên ngành y học nhằm đạt tới là chăm sóc sức khoẻ cho mọi người . Cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, ngành y học cũng phát triển theo cả chiều sâu và chiều rộng, thu được những thành tựu rực rỡ trong công tác bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho nhân loại. Việc nghiên cứu nguyên nhân, cơ chế bệnh lý để từ đó đề ra các phương pháp phòng và điều trị bệnh không còn dừng lại ở mức cơ quan tổ chức tế bào mà đã tiến đến mức phân tử và nguyên tử, các phương tiện, phương pháp chẩn đoán, phòng và chữa bệnh, ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Với sự phát triển sâu rộng của Thể dục Thể thao trên toàn cầu và đặc biệt là định hướng chỉ đạo của Đảng cộng sản coi giáo dục thể chất là một trong những phương tiện quan trọng nhất của quá trình giáo dục cộng sản chủ nghĩa thì một bộ phận của y học đã được tách ra, hình thành một môn khoa học độc lập đó là Y học Thể dục Thể thao.
1.2. Khái niệm về Y học Thể dục Thể thao :
Y học Thể dục Thể thao - trước hết đó là một môn khoa học y học thực hành với đầy đủ nhiệm vụ, phương pháp , cơ sở lý luận và các vấn đề nghiên cứu khoa học đặc trưng của riêng mình. Đó là khoa học ứng dụng những kiến thức y sinh học để nghiên cứu và hoàn thiện quá trình giáo dục thể chất nhằm nâng cao sức khoẻ, thành tích của người tập. Y học Thể dục Thể thao là một bộ phận cấu thành của hệ thống phòng và điều trị bệnh lý, chấn thương và là một mắt xích không thể tách rời của hệ thống giáo dục thể chất cho con người. Mục tiêu của Y học Thể dục Thể thao là sự tác động đồng thời cùng với các phương tiện của văn hoá thể chất và thể thao nhằm tăng cường sức khoẻ cho người tham gia tập luyện, thúc đẩy quá trình phát triển cân đối, toàn diện và chuẩn bị thể lực cho tập luyện, lao động sản xuất và bảo vệ Tổ quốc.
Y học Thể thao là một môn khoa học độc lập dựa trên cơ sở lý luận của các môn lý thuyết cơ bản bao gồm sinh cơ học, sinh lý học, sinh hoá học, giải phẫu học, nhân trắc học ,lý luận và phương pháp giáo dục thể chất.
1.3. Các đặc điểm cơ bản của Y học thể thao :
- Y học thể thao là một bộ phận của y học chung, nó nghiên cứu con người và phục vụ cho con người.
- Là một môn khoa học thực hành - sử dụng phương pháp kiểm tra y học thực hành để đánh giá trạng thái sức khoẻ và khả năng thích ứng với trình độ tập luyện của VĐV.
- Là một môn khoa học ứng dụng trong hoạt động thể thao , vận dụng các kiến thức y sinh học vào thực tiễn huấn luyện và tập luyện TDTT, nó hoàn toàn khác với y học thông thường. Nếu trong y học thông thường đối tượng nghiên cứu là bệnh nhân, là những người có khả năng hoạt động thể lực dưới mức bình thường thì với y học thể thao đối tượng nghiên cứu lại là những người khoẻ mạnh, có khả năng hoạt động trên mức bình thường.
2. Nhiệm vụ của Y học Thể dục Thể thao :
Với sự phát triển sâu rộng cả về mặt cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu mà ngày nay nhiệm vụ của Y học thể thao trong 2 thập niên cuối cùng này không còn đồng nghĩa với khái niệm kiểm tra y học Thể dục Thể thao cho những người tham gia luyện tập mà đã khai phá và chinh phục hàng loạt các lĩnh vực y học liên đới để từ đó tham gia vào tất cả các công đoạn của quy trình hệ thống đào tạo vận động viên. Những nhiệm vụ cụ thể được đặt ra cho Y học Thể dục Thể thao là :
2.1. Tổ chức và tiến hành theo dõi sức khoẻ cho tất cả những người tham gia tập luyện một cách thường xuyên, nghiên cứu khả năng hoạt động thể lực của con người và phân loại theo từng mức độ. Đây chính là nhiệm vụ cơ bản của kiểm tra y học, thông qua việc kiểm tra mức độ phát triển thể lực, kiểm tra chức năng các hệ cơ quanvà các phương pháp đánh giá.
2.2. Nghiên cứu những biến đổi của cơ thể trong quá trình hoạt động thể lực. Trên cơ sở đó điều chỉnh và xây dựng nội dung luyện tập, xác định các chế độ đảm bảo cho quá trình luyện tập với từng đối tượng khác nhau. Đó là các chế độ tập luyện, chế độ ăn, chế độ uống nước, chế độ nghỉ ngơi, chế độ hồi phục.
2.3. Nghiên cứu và xây dựng các biện pháp tăng cường hồi phục sức khoẻ và khả năng vận động cho người tập. Đây là công tác đảm bảo y tế cho vận động viên và người tập với những nhiệm vụ cụ thể là chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị chấn thương, bệnh lý do quá trình tập luyện gây nên.
2.4. Xây dựng các tiêu chuẩn, chế độ vệ sinh tập luyện một cách hợp lý nhằm loại trừ những tác nhân gây ảnh hưởng xấu cho người tập do quá trình tập luyện gây nên.
Chính những nhiệm vụ được đặt ra cho Y học thể thao đã xác định nội dung của Y học thể thao. Có thể thấy các dạng công việc cụ thể của Y học thể thao như sau :
- Kiểm tra và theo dõi y học cho tất cả những người tham gia luyện tập.
- Theo dõi và điều trị cho các vận động viên ưu tú.
- Tiến hành kiểm tra y học sư phạm.
- Áp dụng và nghiên cứu các biện pháp phòng ngừa, điều trị và thúc đẩy hồi phục.
- Kiểm tra vệ sinh sân bãi, trạng thiết bị tập luyện và thi đấu.
- Đảm bảo y tế cho các cuộc thi đấu thể thao.
- Đảm bảo y tế cho tất cả các loại hình thể dục thể thao quần chúng.
- Phòng ngừa chấn thương thể thao
- Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cả ở lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.
- Giải đáp những yêu cầu về Y học thể thao.
- Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền cho công tác giáo dục thể chất trong nhân dân.
3. Nội dung :
Để giải quyết những nhiệm vụ đặt ra cho y học thể thao trong chương trình đào tạo các huấn luyện viên,giáo viên Thể dục Thể thao và cán bộ Thể dục Thể thao cần đề cập đến các nội dung dưới đây :
3.1. Nhập môn Y học Thể dục thể thao. Nội dung của phần này bao gồm: Các khái niệm cơ bản của môn học, mục đích, nhiệm vụ và nội dung môn học, sơ lược về lịch sử phát triển và các phương pháp được ứng dụng trong kiểm tra y học.
3.2. Kiểm tra và đánh giá mức độ phát triển thể chất. Nội dung cơ bản đề cập đến khái niệm phát triển thể chất, phương pháp quan sát, phương pháp nhân trắc áp dụng trong đánh giá mức độ phát triển thể chất và đặc điểm của sự phát triển thể chất ở từng môn chuyên sâu trong thể thao .
3.3. Đặc điểm trạng thái chức năng của cơ thể vận động viên :
Xuất phát từ đặc điểm của Y học thể thao và yêu cầu của thực tiễn huấn luyện mà trong phần này chỉ đề cập đến trạng thái chức năng của các hệ cơ quan sau : Hệ thần kinh và thần kinh cơ, hệ tim mạch, hệ hô hấp, hệ máu, hệ tiêu hoá và hệ nội tiết.
3.4. Các thử nghiệm chức năng trong đánh giá năng lực vận động và trình độ huấn luyện của vận động viên.
Các thử nghiệm chức năng được đề cập trong phần này nhằm đánh giá từng mặt trạng thái chức năng của các hệ cơ quan trong cơ thể đã xem xét ở phần 3.3.
3.5. Kiểm tra y học sư phạm trong tập luyện và thi đấu.
Đây là một trong những nội dung cơ bản, quan trọng của y học thể thao nói chung và kiểm tra y học nói riêng.
Nội dung cơ bản nhằm giới thiệu phương pháp tổ chức và tiến hành kiểm tra y học sư phạm trong thực tiễn cuả quá trình huấn luyện, trang bị cho huấn luyện viên và bác sỹ thể thao các phương pháp , các thử nghiệm thường được áp dụng cũng như cách đánh giá kết quả thu được qua kiểm tra và tự kiểm tra của vận động viên. Ngoài ra còn đề cập đến công tác đảm bảo y tế trong các cuộc thi đấu và giới thiệu về doping trong thể thao và cách thức đề phòng việc sử dụng doping của vận động viên.
3.6. Các phương phápthúc đẩy quá trình hồi phục năng lực vận động :
Mệt mỏi và vận động là 2 mặt đối lập trong quá trình hoạt động thể lực, đặc biệt là trong tập luyện và thi đấu thể thao. Việc thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục nhằm giúp cho vận động viên nhanh chóng trở lại trạng thái chuẩn bị cho tập luyện và thi đấu là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Y học thể thao. Nội dung của phần này đề cập đến các nguyên tắc chung của quá trình hồi phục và các phương pháp , phương tiện cần thiết, đơn giản nhằm khắc phục nhanh sự mệt mỏi của cơ thể sau vận động.
3.7. Kiểm tra y học cho các đối tượng không chuyên luyện tập Thể dục thể thao
Nội dung bao gồm việc kiểm tra y học cho trẻ em, người đứng tuổi, sinh viên các trường đại học tham gia luyện tập theo chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như tại các câu lạc bộ sức khoẻ.
3.8. Cấp cứu, chấn thương và các bệnh lý thường gặp trong thể thao
Để giúp cho các bác sỹ thể thao và cán bộ, huấn luyện viên hiểu rõ được nhiệm vụ phòng ngừa và sơ cứu, điều trị bước đầu các chấn thương và bệnh lý của vận động viên một cách hiệu quả phần đầu của nội dung này đề cập đến các cơ sở chung của bệnh lý học như nguyên nhân, cơ chế phát sinh bệnh, các rối loạn tuần hoàn, trao đổi chất, điều hoà thân nhiệt cũng như đặc điểm của chấn thương và bệnh lý trong thể thao.
Nội dung chính của phần này sẽ trang bị các kiến thức cần thiết về nguyên nhân, triệu chứng lâm sáng, phương pháp chẩn đoán và điều trị bước đầu các chấn thương và bệnh thường gặp trong hoạt động Thể dục Thể thao như chấn thương phần mềm; chấn thương hệ vận động, hệ thần kinh, tai - mũi- họng, răng - hàm - mặt, mắt, các cơ quan nội tạng ; tập luyện và căng thẳng quá độ ; choáng trong thể thao ; say nắng ; đau bụng trong luyện tập ; thoát vị bẹn ; bệnh điền kinh. Có thể nhận thấy với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khoa học y học cùng với những đòi hỏi của thực tiễn huấn luyện thể thao mà nhiệm vụ và nội dung của y học Thể dục Thể thao ngày càng mở rộng. Ngành y học Thể dục Thể thao ở Việt Nam tuy còn non trẻ, nhưng biết tiếp thu những thành tựu của y học thể thao thế giới mà ngày nay đã và đang đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp thể thao nước nhà nói riêng và công tác chăm sóc sức khoẻ bước đầu cho toàn dân nói chung.
...
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét