a. Ðặc điểm dinh dưỡng đối với tập luyện tốc độ
Ðặc điểm quá trình trao đổi chất ở vận động viên luyện tập tố chất nhanh là hoạt động ở chế độ yếm khí cao, nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu là đường phân yếm khí. Ngoài ra, hoạt động ở cự ly ngắn, cường độ hoạt động cao, axit lactic tích luỹ nhiều trong cơ. Do vậy thức ăn đòi hỏi dễ tiêu, dễ hấp thụ, ví dụ như đường, vitamin C và thức ăn cần có protid và photpho.
Hàm lượng protid cần khoảng 2g/kg cân nặng trở lên, năng lượng do protid cung cấp phải đạt trên 15% tổng năng lượng của cả ngày để tăng dự trữ kiềm cần ăn nhiều rau, nước hoa quả. Ở Liên Xô trước đây quy định là nước trái cây phải chiếm 15-20% tổng năng lượng cung cấp hàng ngày.
b. Ðặc điểm dinh dưỡng đối với tập luyện sức bền
Ðặc điểm dinh dưỡng của vận động viên đặc trưng tố chất sức bền là sự tiêu hao năng lượng lớn. Trao đổi chất chủ yếu là đường phân hiệu khí. Khi tập sức bền, sự tiêu hao năng lượng từ nguồn đường trong cơ tăng lên, phân giải protid để nhanh chóng có glycogen, năng lượng chủ yếu dựa vào lipid. Do vậy vận động viên đặc trưng sức bền yêu cầu cung cấp năng lượng rất cao.
Ðể tăng cao hàm lượng hemoglobin và men hô hấp thì nhu cầu protid tăng, đường và các loại vitamin B và C cũng nhiều lên. Ðể bảo đảm năng lượng do
thức ăn đưa lại và giảm nhẹ gánh nặng cho dạ dày thì cần nhiều thức ăn có mỡ hơn. Năng lượng do mỡ cung cấp bằng khoảng 30-35% tổng năng lượng được cung cấp. Ðể thúc đẩy quá trình trao đổi lipid trong gan cần uống nhiều sữa. Ðể nâng cao hàm lượng đường trong cơ với mục đích nâng cao sức bền có thể dùng phương pháp bổ sung đường trực tiếp.
Phương pháp bổ sung đường trực tiếp là sử dụng lượng đường cao trong thức ăn trộn thêm glycogen. Ðây là phương pháp nâng cao năng lực hoạt động sức bền. Bởi vì năng lực hoạt động sức bền quyết định hàm lượng đường trong cơ, hàm lượng đường trong cơ lại do nguồn đường trong thức ăn cung cấp.
Có ba phương pháp bổ sung đường trực tiếp (hình 2):
1/ Thức ăn thường - Thức ăn nhiều đường - Thi đấu;
2/ Thức ăn thường - Tập luyện - Thức ăn nhiều đường - Thi đấu;
3/ Thức ăn thường - Tập luyện - Thức ăn nhiều đạm và mỡ - Thức ăn nhiều đường = Thi đấu.
Trong ba phương pháp trên, loại thứ nhất dễ thực hiện tuy hàm lượng đường trong cơ tăng không nhiều, song phản ứng cơ thể tốt. Phương pháp thứ ba phức tạp hơn, trong giai đoạn tăng lượng vận động cho thức ăn nhiều đạm và mỡ, cơ thể sẽ thiếu đường, song sau đó lượng đường được hồi phục, nâng cao được hàm lượng glycogen/cơ, nhưng gây phản ứng cơ thể không tốt ví dụ, khi cơ thể thiếu đường sẽ xuất hiện cơ vô lực và có trạng thái hưng phấn thấp, trong giai đoạn tồn kho đường tim bị đau, cơ nhức, nước tiểu có máu; ngoài ra, khi glycogen/cơ tăng thì thành phần nước trong cơ cũng tăng (1gam glycogen/cơ tăng 2,7g nước), gây nên cứng cơ.
Hình 2. Sơ đồ hàm lượng glycogen / cơ ở ba phương pháp bổ sung đường trực tiếp
Do phương pháp bổ sung đường trực tiếp có tác dụng phụ, nên việc sử dụng phương pháp này hiện nay có nhiều ý kiến và người ta rất thận trọng khi dùng phương pháp này, đặc biệt là phương pháp thứ ba, người ta chỉ sử dụng 1-2 lần trong năm đối với vận động viên có trình độ cao, có kinh nghiệm và chịu đựng sức bền tốt.
Bảng 16. Thành phần thức ăn của phương pháp bổ sung đường trực tiếp (theo tài liệu nước ngoài)
Các loại thức ăn | Thành phần thức ăn (% nhiệt lượng) | |||
Protid | Lipid | Glucid | ||
Thức ăn thường Thức ăn nhiều đường Thức ăn nhiều đạm, đường | 13% 17% 70% | 26% 7% 20% | 61% 76% 10% | 65% tinh bột 35% trái cây ít dùng đường nấu |
Nhiều đề tài nước ngoài nghiên cứu về việc cải thiện trao đổi lipid, nâng cao khả năng sử dụng lipid của cơ thể. Ví dụ, dùng phương pháp thực phẩm có nhiều mỡ, hoặc bằng phương pháp huấn luyện đói gây phản ứng men của quá trình tiêu hao mỡ, hoặc uống cà phê.
Ngoài ra, chúng ta biết rằng vận động viên tập sức bền mất nhiều mồ hôi, cần phải bổ sung nước và các chất điện giải.
c. Ðặc điểm dinh dưỡng đối với tập luyện sức mạnh
Vận động viên đặc trưng sức mạnh yêu cầu hệ cơ có sức mạnh lớn và sức bột phát cao, đồng thời năng lượng tiêu hao cao. Ðể phát triển cơ cần nhiều protid và các loại vitamin B, đặc biệt là trong thời gian huấn luyện ban đầu.
Cần cung cấp đầy đủ protid, trên 2g/kg cân nặng. Năng lượng do protid chiếm trên 18%, trong đó các loại protid cao cấp chiếm 1/3. Ðể bảo đảm chức năng hoạt động của hệ thần kinh-cơ cần bổ sung các chất kali, natri, magiê, sắt. Ðồng thời nhu cầu đường cũng rất lớn. Ngoài ra các vận động viên cử tạ, vật cần chú trọng vấn đề dinh dưỡng để kiểm soát trọng lượng và giảm cân.
d. Ðặc điểm dinh dưỡng đối với tập luyện tính linh hoạt
Vận động viên tập thiên về tính linh hoạt thì năng lượng tiêu hao không lớn, nhưng yêu cầu tính nhịp điệu rất cao, hệ thần kinh rất căng thẳng. Ðồng thời những người này có yêu cầu về cân nặng và cơ thể tương đối khắt khe, do vậy sự cân bằng về năng lượng là rất nghiêm ngặt.
Thức ăn cho họ phải đầy đủ lượng protid, năng lượng do protid chiếm trên 15% tổng năng lượng được cung cấp.
Ðể bảo đảm chức năng hoạt động của hệ thần kinh cần cung cấp vitamin B1, vitamin C và photpho. Nhiệt lượng trong thức ăn không nên nhiều vì sẽ làm tăng cân và tạo mỡ. Ðối với một số môn thể thao nghệ thuật, vấn đề kiểm soát cân nặng rất quan trọng, do vậy việc ăn uống cần có chế độ đặc biệt.
e. Các môn khác
Các môn bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ yêu cầu phát triển toàn diện các tố chất nhanh, mạnh, bền, và lượng vận động thường xuyên cao, năng lượng tiêu hao nhiều. Do vậy yêu cầu về dinh dưỡng cũng phải toàn diện.
Các môn thể thao dưới nước, ngoài đặc điểm phát triển sức bền, tốc độ thì năng lượng tiêu hao lớn hơn do hoạt động trong môi trường nước. Do vậy trong khẩu phần ăn cần tăng thành phần mỡ, vitamin A. Các môn bắn súng, cung, kiếm cần nhiều vitamin A.
Trích “Vệ sinh dinh dưỡng và các loại thuốc đặc hiệu cho vận động viên” NXB THỂ DỤC THỂ THAO năm 1999.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét