Các cầu thủ “nhí” của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG trên sân tập - Ảnh: S.H.
Cần khắc phục những điểm yếu này như thế nào ngay từ thuở trẻ tập tễnh đến với bóng đá?
Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ thể thao Đồng Xuân Lâm, thành viên Viện Khoa học TDTT, hiện được biệt phái vào làm việc cho CLB Hoàng Anh Gia Lai ở khâu chuẩn bị thể lực, dinh dưỡng cho cầu thủ chuyên nghiệp và cầu thủ trẻ Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG. Ông Đồng Xuân Lâm cho biết:
- Cầu thủ VN phần lớn xuất thân từ gia đình nghèo hoặc vùng nông thôn. Ra đời trong điều kiện thiếu thốn như thế thì làm sao đủ sữa hoặc có thức ăn đủ chất dinh dưỡng cao. Đã vậy nhiều em phải tham gia lao động phụ giúp gia đình từ sớm, từ đó dẫn tới việc phát triển không toàn diện về thể chất và cân bằng. Thí dụ: em có được chiều cao thì không có bề ngang, người có sức mạnh thì thiếu sức nhanh, nhiều em dẻo dai, nhanh nhẹn thì thể hình thấp bé, nhẹ cân.
Những bất lợi nói trên không những liên quan tới yếu tố phát triển về thể chất mà còn kéo theo hệ lụy yếu kém trong việc phát triển tâm lý, tinh thần, bởi một VĐV thể thao đỉnh cao cần thiết phải có trạng thái tâm lý thần kinh mạnh, vững và cân bằng.
Bác sĩ Đồng Xuân Lâm - Ảnh: S.H. |
- Từ 6 đến dưới 18 tuổi, trẻ em cần được phát triển chiều cao một cách tự nhiên và tuyệt đối tránh tất cả những bài tập vận động có tải trọng nặng đè lên khung xương thì mới mong không bị lùn đáng tiếc. Phải để các em vui chơi tự nhiên để có thể phát triển sự nhanh nhẹn, dẻo dai và làm quen dần với chiến thuật kỹ thuật bóng đá, tránh xa việc tập tạ, tập sức mạnh tốc độ, sức bền tốc độ.
Về mặt dinh dưỡng, để trẻ em có thể phát triển tối ưu chiều cao, cân nặng thì nên áp dụng chế độ ăn theo các nhóm thức ăn dưới đây:
Cho trẻ ăn bánh mì đen, uống sữa tươi ít béo (dưới 1% bơ) là thực phẩm chủ đạo trong khẩu phần dinh dưỡng với VĐV trong độ tuổi phát triển. Hai loại thực phẩm này giúp cung cấp khoáng chất, chất xơ, đường bột, vi lượng, siêu vi lượng, chất đạm rất dồi dào và được hấp thu tự nhiên.
Ngoài ra, vẫn phải tuân thủ theo chế độ ăn thể thao. Cụ thể là lượng chất đường (đường chậm), tinh bột phải chiếm 65-70%, chất protein 15% (1/2 là thực vật, 1/2 là động vật), dầu mỡ 15-20% (1/2 thực vật, 1/2 động vật).
Nước uống cũng chiếm vai trò quan trọng. Khi tập được 15 phút, nên cho trẻ em uống đủ lượng nước cần thiết (nước uống thể thao) để bù lượng nước, điện giải cũng như lượng vitamin bị giảm, đồng thời tránh việc bị chuột rút (vọp bẻ), chấn thương các nhóm cơ. Mỗi lần phải uống 100-200ml (tùy theo độ tuổi) khi trời nắng nóng, với thời tiết mát thì lượng nước ít hơn. Sau buổi tập, trẻ cần phải uống nước liên tục cho đến khi đi tiểu và tiểu ra nước trong thì lượng nước trong cơ thể đã được bù đắp đầy đủ.
Mỗi ngày trẻ em cần phải ngủ chín giờ, trong đó một giờ vào buổi trưa và tám giờ vào ban đêm thì thể lực mới được hồi phục, tỉnh táo để có thể tiếp thu bài giảng ở học đường rồi tiếp đó là tập luyện thể thao.
* Được biết, ngoài việc chăm chút cho CLB Hoàng Anh Gia Lai, bác sĩ còn phụ trách mảng dinh dưỡng cho Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG. Ông có thể cho biết đôi nét về chế độ dinh dưỡng dành cho các cầu thủ tiềm năng này như thế nào?
- Thực đơn hằng ngày (ba buổi) của cầu thủ học viện do tôi chỉ định cộng với sự góp ý của bộ phận cấp dưỡng. Yêu cầu đặt ra là việc ăn uống phải đầy đủ lượng calo, đủ dưỡng chất và cân bằng.
Việc dinh dưỡng của các em ở học viện cũng bao quanh nhóm thức ăn như tôi đề cập ở phần trên, nhưng chúng tôi chú trọng đến loại hải sản, sữa và các sản phẩm từ sữa để tăng chất đạm, chất canxi, manhê, khoáng chất. Sau mỗi bữa ăn, các em đều phải dùng sữa chua vi sinh để tăng cường tiêu hóa, tăng hiệu suất hấp thu dinh dưỡng. Xấp xỉ tuổi 18 thì mỗi người phải dùng 1 lít sữa/ngày, dưới tuổi này thì khoảng 1/2 lít, kèm theo đó là các loại sữa chua. Trái cây bắt buộc phải có theo dạng mùa nào thức nấy.
* Bác sĩ có lời khuyên gì đối với các bậc phụ huynh đang muốn con em trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp?
- Nếu các em muốn đến với thể thao chuyên nghiệp thì lời khuyên chân thành nhất là cần có năng khiếu đặc biệt, nổi trội hơn các bạn đồng trang lứa, và nhất là phải yêu thích môn thể thao đó. Bên cạnh việc chơi thể thao, phải hướng dẫn hay bắt buộc các em học văn hóa và ngoại ngữ. Vì chơi thể thao chuyên nghiệp rất cần có kiến thức để nhanh chóng nắm bắt, tiếp thu bài giảng của HLV. Có kiến thức không chỉ giúp các em hội nhập nhanh mà còn biết cách sáng tạo, dệt nên những ước mơ cháy bỏng, thúc giục các em phấn đấu mạnh mẽ với mục tiêu đặt ra của chính mình.
SĨ HUYÊN thực hiện
Đề án phát triển tầm vóc người Việt Nam
Giáo sư Dương Nghiệp Chí - nguyên viện trưởng Viện Khoa học TDTT Việt Nam, cho biết hiện nay Viện Dinh dưỡng quốc gia có một đề án mang tên “Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực tầm vóc người Việt Nam”. Đề án có thử nghiệm các can thiệp nhằm cải thiện tầm vóc của trẻ từ 0-15 tuổi, đồng thời các nhà khoa học cũng tìm hiểu và đưa ra chế độ dinh dưỡng phù hợp đối với từng lứa tuổi trong quá trình sinh trưởng, phát triển của trẻ. Ví dụ trẻ từ 0-5 tuổi, từ 5-10 tuổi, từ 10-15 tuổi, mỗi giai đoạn sẽ phải được cung cấp bao nhiêu năng lượng trong một bữa ăn, thành phần tinh bột, chất đạm, chất béo ra sao...
Theo giáo sư Dương Nghiệp Chí, có hai giai đoạn phát triển cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe thể chất của một con người bình thường nói chung và VĐV thể thao nói riêng, đó là giai đoạn từ bào thai đến 1 tuổi và giai đoạn từ 6-14 tuổi (giai đoạn tiền dậy thì). Nếu hai giai đoạn này đứa trẻ không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thì lớn lên chắc chắn không thể đáp ứng được những yêu cầu về thể chất hoàn thiện, nhất là cho thể thao thành tích cao. Nếu chỉ chú ý đến dinh dưỡng một trong hai giai đoạn thì cũng không đảm bảo được.
K.XUÂN
|
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét