Thứ Ba, 8 tháng 6, 2010

Lắng nghe - yếu tố quan trọng nhất để thành công trong đàm phán


Trong thế giới thương mại đầy sôi động hiện nay, đàm phán đóng một vai trò rất quan trọng để trong việc đạt tới thành công của mọi bản hợp đồng. Tuy nhiên, vẫn có không ít nhà đàm phán không thành công trong việc thuyết phục đối tác ký kết hợp đồng chỉ bởi một lý do rất cơ bản nhưng lại rất cần thiết, đó là lắng nghe. Bởi thế, họ đã đánh mất nhiều cơ hội để hiểu rõ được yêu cầu và mục đích của đối tác.


Trong các nghiên cứu gần đây cho thấy, những người có kỹ năng lắng nghe không tốt chỉ có thể nắm được tối đa là 50% nội dung của buổi đàm thảo. Và tỉ lệ này sẽ giảm xuống rất thấp sau 48 tiếng. Điều này đồng nghĩa với việc là họ không thể nhớ lại những gì đã nói trong buổi đàm phán một cách chính xác và đầy đủ.


Phần lớn các khó khăn phát sinh trong quá trình đàm phán đều do kỹ năng lắng nghe không hiểu quả. Để nắm vững kỹ năng lắng nghe, bạn cần đặt ra mục tiêu để không chỉ hiểu lời nói mà còn phải hiểu được ý nghĩa bao hàm bên trong lời nói đó. Tự đặt ra tình huống để ứng đối với những điều mà đối tác trao đổi với bạn.

Một người đàm phán giỏi là người biết cách lắng nghe. Lý do? Bởi người đàm phán giỏi là người có khả năng quan sát và phân tích kỹ năng giao tiếp cả bằng lời và cử chỉ của đối tác. Họ có khả năng nghe và nhớ cách lựa chọn từ và cấu trúc câu chuẩn xác của người khác. Họ nhận thấy rằng khi chú ý lắng nghe những gi đối tác nói, họ có thể học tập được một điều gì đó mới mẻ. Lắng nghe có hiệu quả giúp phát hiện được mục đích, yêu cầu của đối tác, và những thông tin này sẽ mang đến kết quả đàm phán thành công nhất.

Dưới đây là ba vấn đề về kỹ năng lắng nghe cơ bản mà các nhà đàm phán có thể mắc phải khi đàm thảo với các đối tác của mình


- Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng đàm phán là quá trình thuyết phục, mà thuyết phục có nghĩa là thiên về kỹ năng nói. Vì vậy, họ cho rằng nói là ở thế chủ động còn lắng nghe là thế bị động. Họ đã quên rằng việc thuyết phục sẽ trở nên rất khó khăn khi không dự đoán trước được tâm ý của người mà bạn đang cố gắng để thuyết phục.


- Những người có kỹ năng lắng nghe không tốt thường chỉ chú ý những gì họ nói hơn là những lời của người đối diện và lúc lắng nghe lại là lúc họ chuẩn bị cho lời nói tiếp theo. Do đó, họ không đủ thời gian để lưu tâm tới những thông tin cần thiết mà đối tác thể hiện ra.


- Vấn đề cuối cũng mà các nhà đàm phán thường gặp, đó là họ thường để cảm xúc lấp đi những gì cần nghe, cần quan sát và phân tích. Từ chỉ là đơn vị nhỏ trong câu nói. Giọng điệu và hành vi cử chỉ cũng đóng một vai trò quyết định. Ví dụ như trong quan hệ nam nữ, khi người đàn ông thốt ra câu “Anh yêu em”, một người phụ nữ thông minh sẽ liên kết câu nói này với ngữ điệu và hành vi cử chỉ của anh ta trước khi quyết định có nên tin hay không.

Tóm lại, những người có khả năng lắng nghe và quan sát tốt sẽ biết cách không để cảm xúc làm “nóng” “cái đầu lạnh” của họ, từ đó họ luôn duy trì sự tỉnh táo để phân tích và đánh giá được cảm nghĩ thực sự của đối tác



Nguồn từ : vietnamlearning.vn

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét