Thứ Tư, 16 tháng 6, 2010

CƠ CHẾ TÂM LÝ TỰ ĐIỀU CHỈNH TRẠNG THÁI TÌNH CẢM Ý CHÍ TRONG HOẠT ĐỘNG THỂ THAO

Để phân biệt rõ chức năng các khía cạnh tâm lý chủ đạo, chi phối năng lực tự điều chỉnh tâm lý, cần thiết phải phân tích chi tiết bản chất của thuật ngữ "Trở ngại khó khăn nơi mà con người phải đối mặt để khắc phục". Cũng từ kết quả khảo cứu kỹ vấn đề này, mới có thể tiến hành nghiên cứu cơ chế tâm lý trong khắc phục trở ngại và khó khăn.


Hoạt động thể thao là một trong những loại hình hoạt động có liên quan nhiều tới vấn đề khắc phục vô vàn khó khăn trở ngại. Ở đây độ khó trong hoạt động của VĐV nhiều lúc đạt tới mức tột đỉnh.

Trong các sách giáo khoa tâm lý học nói chung và những tài liệu có liên quan đến hiện tượng khó khăn và trở ngại chưa được phân định ranh giới rõ ràng, các tác giả chỉ dừng lại ở mức phân loại chung các khó khăn trở ngại thành 2 loại mang tính chất bên trong (chủ quan) và bên ngoài (khách quan). Trong tâm lý học thể thao, ranh giới của hai khái niệm trên lại còn khó phân biệt hơn.

Chẳng hạn năm 1974, P.A Ruđích chỉ sử dụng thuật ngữ khó khăn trong đó bao hàm cả yếu tố trở ngại và phân loại thành 2 nhóm khó khăn khách quan và khó khăn chủ quan. Còn Cos. TS. A.X Punhi thì chỉ sử dụng thuật ngữ trở ngại (bao hàm ý nghĩ khó khăn) và được phân loại theo thang bậc và mức độ khó khăn của nó mà thôi. Theo tác giả bài báo này, các thuật ngữ trên cần được hiểu theo góc độ tâm lý học như sau.

Trở ngại: Là những điều kiện khách quan của môi trường bên ngoài, cũng như bản thân gây cản trở cho quá trình hoàn thành mục đích thực thi các nhiệm vụ vận động. Đó chính là những chướng ngại do vật thể gây ra như: Trọng lượng của tạ, chiều dài cự ly chạy, lực cản của gió, những trở lực khi thực hiện các động tác kỹ thuật, cùng các vướng mắc đột xuất như kết quả thi đấu tạm thời, sự quá khích của đối thủ, sự không minh bạch của trọng tài, sự đe doạ đến an toàn cá nhân ...

Khó khăn: là những mâu thuẫn nội tại xuất hiện trên cơ sở có sự bất cập tạm thời về năng lực hoặc yếu tố thông tin so với yêu cầu thực hiện bài tập vận động. Đó là các mâu thuẫn nội tại nửa có tính chất mâu thuẫn trong vận động, cũng như mâu thuẫn riêng của chính bản thân mình.

1. Khó khăn mang tính chất hoạt động thường xẩy ra trong tình huống túng quẫn, thao tác khi phải chống đỡ trọng lượng quá tải so với khả năng của cơ thể hoặc bộ phận của cơ thể VĐV. Đó là khó khăn thuộc về năng lực thể lực khi chống đỡ vật cản hoặc khi phải vượt qua sự mệt mỏi để giữ được cường độ vận động lâu dài, hoặc tốc độ nhanh. Tức là khó khăn do thiếu sức mạnh, không có sức bền sức nhanh...

Cũng có thể là khó khăn về mặt kỹ thuật như: rối loạn phối hợp động tác về mặt không gian hay thời gian, các biểu hiện: "mất cảm giác chuyên môn", "khó hiểu".

2. Khó khăn mang tính chất riêng tư: như xúc động, căng thẳng quá mức, rối loạn các quá trình tâm lý gây nhiễu động tác. Nguyên nhân gây ra khó khăn này thuộc về yếu tố giảm sút tâm lý sẵn sàng khi hoạt động, cũng như lơi lỏng ý chí, các biểu hiện tâm lý của khó khăn riêng tư như: Có cảm giác thấm mệt, "sợ hãi một cách quá mức", "vô vọng". Trong thể thao loại khó khăn này xuất hiện do bị dồn ép tăng sức và bức xúc về thời gian. Đặc biệt do rối loạn nội tiết tự nhiên, các biểu hiện trạng thái tâm lý khi xuất hiện khó khăn này là "cảm giác lo lắng, hồi hộp, bồn chồn, lú lẫn" trong hành vi. Có thể coi khó khăn này là khó khăn về xúc động tâm lý mạnh mẽ.

Tóm lại có thể khái quát khó khăn trong hoạt động theo lược đồ sau:

- Khó khăn mang tính riêng tư

- Khó khăn mang tính chất thể lực yếu

- Khó khăn do bị xúc động mạnh gây rối loạn kỹ chiến thuật

- Khó khăn mang tính hoạt động.

Các trở ngại thường gây ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý VĐV khi thực hiện các bài tập thể lực. Còn khó khăn thường xẩy ra dưới 2 khía cạnh: tâm thể lực và tâm lý kỹ thuật.

Tự điều chỉnh có ý thức tâm lực và tâm kỹ thuật được thực hiện theo cơ chế tự tác động lên chính bản thân mình. Tính chất chủ yếu của nó được căn cứ vào những cơ chế tâm lý rất khó phân biệt.

- Một trong các cơ chế đó là tự chi phối gián tiếp, tức là thông qua điều chỉnh nội dung tâm lý của động cơ ban đầu để làm xuất hiện nỗ lực ý chí, tự động viên mình lúc gặp trở ngại và khó khăn. Chính điều này đóng vai trò và chức năng thức tỉnh nội tâm rất lớn.

- Cơ chế thứ 2: tự điều chỉnh trực tiếp, tự huy động nội lực theo mệnh lệnh của ý thức, lương tâm, và không biến đổi cơ chế hoạt động đã xác định, tiếp tục điều chỉnh để giữ được hành động, cử chỉ và ưu thế của bản thân trong điều kiện mới.

- Khi phân tích về cơ chế tự điều chỉnh gián tiếp, A.K Pêrôv cho rằng: Phương pháp tự điều chỉnh động cơ ban đầu sẽ làm thay đổi đáng kể thái độ hành động lúc khó khăn, đồng thời tăng cường được ý thức tự đòi hỏi bản thân cao hơn để tiếp tục hành động tốt hơn. Các tác giả khác cũng đã phát triển sâu sắc hơn quan điểm khoa học này trong nghiên cứu vận động tự điều chỉnh lại động cơ có tác dụng giảm nhẹ xúc động, tiêu cực hợp ý tưởng mới đối với hành động. Do đó con người lại thôi thúc, lôi cuốn bản thân hành động tích cực hơn để dành được mục đích. Mặt khác với những môtíp động cơ hoạt động vừa thiết lập, sẽ tạo ra những kích thích phụ để tiếp tục hành động. Như vậy ta có thể quan niệm: cơ chế "Tự điều chỉnh mang tính gián tiếp này là cơ chế biến đổi động cơ hành động".

Cơ chế "Tự điều chỉnh trực tiếp” là sự tự điều chỉnh chủ yếu bằng cơ chế nỗ lực ý chí để vượt qua khó khăn, trở ngại. Theo I.M Xêtrênôv nỗ lực ý chí là chức năng tâm lý đặc biệt của con người hành động một cách quyết liệt, mau lẹ, có thể lập tức thay đổi cường độ đúng lúc hoặc thậm chí đình chỉ lập tức hành động.

Tự ra lệnh cho bản thân hành động là một tiêu chí quan trọng của hoạt động thể thao. Ví dụ: Khi gặp tình huống quá mệt mỏi, VĐV thường tự chỉ thị cho mình "Phải cố lên", "không được giảm tốc độ", "hãy dốc sức cuối cùng"...

Kết quả nghiên cứu về điều chỉnh nỗ lực ý chí lúc về đích ở 88 VĐV chạy cư ly trung bình của tác giả G.B Meixôn cho biết có 66/88 VĐV lúc về đích vận dụng thủ pháp tự điều chỉnh trực tiếp ra lệnh cho bản thân nỗ lực ý chí để chạm đích sớm nhất. Kết quả đã đạt được là trong khoảnh khắc về đích, tăng được số bước chạy và sức mạnh đánh tay khi về đích.

Nếu dựa trên quan điểm điều khiển thông tin, ta có thể phân loại tự điều chỉnh tâm lý để khắc phục khó khăn trở ngại thành 2 loại:

1. Tác động tự kích động tức thời theo định hướng huy động nỗ lực hành động.

2. Tác động tự kích động tức thời điều chỉnh về mặt tổ chức hành động vận động.

Như vậy có thể biểu đạt lược đồ tổng thể của cơ chế tự tác động điều chỉnh tâm lý trong hoạt động thể thao như sau:

- Tác động kích thích động cơ

- Tự kích động huy động nỗ lực hành động

- Tự kích động tổ chức lại hành động

- Tự tác động trực tiếp vào hành động.

Trong thực tiễn hoạt động thể thao, cơ chế tự điều chỉnh tâm lý trên, thể hiện phổ biến ở khía cạnh tự kiểm soát các yếu lĩnh kỹ thuật đúng đắn nhớ các biện pháp tự điều chỉnh tính tích cực của cá nhân. Theo quan niệm của G.S T.S Tunhin có 4 nhóm biện pháp tự điều chỉnh tâm lý vận động:

1. Biện pháp tự kích thích để nâng cao hoạt động tính tích cực tâm lý, hưng phấn để khắc phục khó khăn đang chế ngự bằng các biện pháp: Tự thuyết phục, tự làm thanh thản mình, tự khuyến khích, hoặc sao nhãng chú ý để tránh kích thích gây sợ hãi, hình dung và tập trung ý nghĩ có lợi cho ý chí dành kết quả cao... Qua đó tổ chức lại các quá trình tâm lý tham gia hoạt động, tăng sự chú ý vào các biện pháp khắc phục trở ngại, hình thành ý tưởng tiếp tục hoạt động như khi không có khó khăn. Do kết quả huy động được tính tích cực nhờ cơ chế tự điều chỉnh mà cường độ hoạt dộng được tăng lên, động tác nhanh hơn, khả năng chịu đựng căng thẳng tốt hơn, và cuối cùng là hoạt động được tiến hành lâu hơn nhờ huy động tốt nguồn lực dự trữ trong cơ thể.

Tự động viên, tự đòi hỏi, tự ra lệnh và thực thi nó có hiệu quả là biểu hiện năng lực tự kích thích tự điều chỉnh tâm lý của các VĐV thể thao chuyên nghiệp.

Tự tác động tổ chức lại hành động khi điều chỉnh hoạt động vận động thể lực bao hàm ở khía cạnh tự điều chỉnh quá trình và trạng thái tâm lý như tập trung chú ý cao độ, phân phối chú ý hợp lý, chuyển hướng chú ý mau lẹ, khi thực hiện động tác, cũng như khả năng biết tự chỉ dẫn, tự ra lệnh, tự điều chỉnh động tác lúc có trục trặc về kỹ thuật.

Nếu phân tích sự biến thiên hiệu quả tự điều chỉnh với các biện pháp điều chỉnh theo đồ thị trong đó trục tung biểu hiện mức tăng trưởng ý chí tình cảm, còn trục hoành là các nội dung tự điều chỉnh (nỗ lực động viên và nỗ lực điều chỉnh tổ chức hoạt động) chúng ta thấy rõ sự biến thiến của hiệu quả tự tác động đạt ở những mức độ khác nhau tương ứng với từng nội dung điều chỉnh.

Nghiên cứu vấn đề này, chúng tôi đã mời 30 VĐV cấp I và kiện tướng Thể dục dụng cụ cùng tham gia thực nghiệm về trạng thái tự điều chỉnh xúc động sợ hãi khi thực hiện động tác ngả thẳng người về sau từ độ cao 155cm, thu được kết quả như sau:

Lấy các chỉ số tâm sinh lý như: đo phản xạ đơn, phản ứng tín hiệu âm thanh ở tư thế cúi gập 30 - 400 và đo kỹ thuật ngã bằng điểm. Đồng thời áp dụng thang điểm quốc tế đánh giá quá trình tự điều chỉnh như: tự thuyết phục, tự động viên, tự ra lệnh cùng với các biện pháp tâm lý như tập trung chú ý vào kỹ thuật ngả sau và tốc độ ngả sau (theo thang điểm 5).

Tổng hợp điểm kỹ thuật ngả sau có vận dụng biện pháp thí dụ cho thấy: ở tổ VĐV can đảm điểm trung bình cộng là 3,5 và tổ VĐV nhút nhát đạt 3,48 điểm. Trong thực nghiệm này VĐV đã vận dụng các lời tự khuyên răn sau đây "mình đã ngã sau nhiều lần nhưng không sao", "đã có sự bảo hiểm của HLV", "động tác này không đáng sợ hãy vững vàng lên"... Ngoài ra còn điều chỉnh loại bỏ hình dung động tác không an toàn; tăng ý nghĩ sẵn sàng làm thử...

Qua quan sát sư phạm nhận thấy đôi lúc các giải pháp tự điều chỉnh này chưa đủ khả năng kích động VĐV thực hiện những bài tập khó của thể dục dụng cụ. Cần thiết phải có các biện pháp tự điều chỉnh tâm lý có hiệu ứng đặc biệt hơn để thôi thúc VĐV tự chủ chuyển ý nghĩ thành hành động mau lẹ kịp thời khi gặp khó khăn trở ngại.

Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng tôi tiếp tục thực nghiệm các biện pháp tâm lý tự điều chỉnh xúc động - ý chí với nội dung và yêu cầu tự động viên cao hơn trong tình huống thực hiện các động tác nguy hiểm hơn, cường độ vận động cao hơn. Chẳng hạn vận dụng liệu pháp tự ra lệnh với mức quyết liệt hơn, thôi thúc hơn như: "Dũng cảm lên", "hãy xốc tới", "thế nào đây", "được đấy". Trong trường hợp tự điều chỉnh trạng thái bất ngờ hoặc động tác mới, VĐV áp dụng biện pháp tự điều chỉnh để tổ chức lại, hành động với liệu pháp tự ra lệnh chỉnh đốn động tác như:

"Không được gập người lại", "chú ý tay!", " chân!"... kết quả đem lại là VĐV bớt sợ hãi, cường độ chú ý và kỹ thuật được tăng lên, chất lượng động tác tốt lên, các chỉ số phản xạ tiềm tàng được rút ngắn, mức độ xúc động ý chí cho tổ chức thực hiện động tác khó rất cao.

Ở nhóm VĐV dũng cảm, năng lực tự động viên nỗ lực ý chí và tự điều chỉnh tổ chức hoạt động cao hơn so với tổ VĐV thiếu can đảm. Nguyên nhân của hiện tượng này được B.N Xmirov giải thích trong nghiên cứu khoa học của mình như sau: ưu thế trội của lòng dũng cảm thắng yếu hèn là ở mức độ phát triển động cơ khắc phục những sợ hãi của con người.

Cũng vậy, trong khi điều chỉnh cường độ kích thích và mức độ tự động viên, mức độ tập trung chú ý, thường gặp hiện tượng không đồng nhất về mức độ nỗ lực ý chí ở các VĐV thể lực. Ví dụ; VĐV nhóm can đảm khi giảm cường độ kích thích về mặt nỗ lực ý chí nhưng không làm giảm mức độ kết quả về tự thuyết phục giảm rõ rệt, bởi nguyên nhân chưa tìm được cho mình căn cứ cần thiết để không sợ hãi nguy hiểm.

Có thể nhận xét rằng các giải pháp tự điều chỉnh tình cảm - ý chí trong hoạt động thể thao vừa trình bày trên được xây dựng trên nền tảng thống nhất được 2 yếu tố mang tính đặc trưng chức năng tự điều chỉnh tâm lý trong hoạt động vận động của VĐV thể thao khi gặp tình huống khó khăn và trở ngại.

Thực chất của yếu tố mang yếu tố chức năng thứ nhất (tự điều chỉnh động cơ ban đầu để tác động gây nỗ lực ý chí) là ở chỗ tự gợi mở thêm động cơ bổ sung để làm xuất hiện tính tích cực cá nhân, thông qua tự xác định giá trị và ý nghĩa của kết quả hành động đối với việc thoả mãn nhu cầu mục điều đã đề ra. Kết quả là nhận thức rõ hơn nguyên nhân gây sợ hãi, qua đó trạng thái bình tĩnh được thiết lập hoạt động trôi chảy như bình thường. Người ta thường ví dụ hưng phấn xúc động này là: "Làm với cả khối óc và trái tim để đạt tới ước mơ". Các biểu hiện tâm lý lúc này thể hiện dưới dạng: "Cố chạy hết vòng cuối ". "Nếu để thất bại sẽ không được vào chung kết", "cố làm chút nữa để đạt được đẳng cấp VĐV kiện tướng - để được vào đội tuyển...".

Trong khi hình dung về ý nghĩa cá nhân và xã hội của thành quả hoạt động, VĐV sẽ thực tế hơn trong hoạt động tư duy, xuất hiện xúc cảm hạnh phúc, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Cuối cùng là có hứng cảm mới xuất hiện để tiếp tục hoạt động. Hứng khởi và xúc động tích cực là một trong các yếu tố quan trọng trong cấu trúc động cơ hành động của con người. Đó chính là yếu tố bên trong của động cơ, chi phối hoạt tính của động cơ. Theo quan điểm của B.C Merlin yếu tố này ví như bộ phận nạp năng lượng cho động cơ. Xúc động hứng khởi sẽ làm san lấp được bế tắc của động cơ, tạo ra động cơ phụ trợ, để cùng thúc đẩy con người tiếp cận, đối đầu với khó khăn. Phương thức tự điều chỉnh này có tác dụng kích động hành động mạnh mẽ nhờ yếu tố linh hoạt của động cơ. Nó được V.A. Ivanhik gọi tên là tự điều chỉnh ý chí. Nhưng theo chúng tôi và V.K. Kalin thì đó phải là tự điều chỉnh về xúc động, bởi vì xúc động mới làm hiện thực hoá được động cơ. Xúc cảm về động cơ là sự mở đầu của quá trình nỗ lực thúc đẩy hành động của con người lúc khó khăn, nguy hiểm, bất lực.

Tự nỗ lực, tự thôi thúc xảy ra trước không phải do cảm xúc nghĩa vụ, mà chính ở chỗ do sự mách bảo của nó. Tự nỗ lực, tự thúc đẩy là kích tố bên trong của hoạt động. Nó bao hàm sự tính toán khía cạnh đạo đức hợp lý khi có mâu thuẫn nội tâm, cũng như khi có giao động về ước muốn. Còn một khía cạnh khác là đôi khi bản thân có nhận thức cần thiết thực hiện mục đích rồi nhưng vẫn chưa đủ để làm xuất hiện xúc động tích cực, và có khi sự cản trở đến hoạt động tư duy về tình huống mà biểu hiện của nó như : "bất cần", "làm gì phải lo lắng thế". Hiện tượng tâm lý này hay xuất hiện khi VĐV làm động tác mới, luôn gặp trở ngại bất ngờ khi thực thi, bãi tập đã quen biết.

Trong hoạt động thể thao, VĐV thường rất khó khăn trong việc kiểm tra, kiềm chế sai sót của mình trong tình huống phức tạp bằng liệu pháp điều chỉnh liệu pháp xúc động, mà phải sử dụng liệu pháp nỗ lực ý chí mới đủ. Nguyên lý về nỗ lực ý chí để khắc phục khó khăn đã đề cập rất nhiều trong các tài liệu tâm lý có liên quan hành động ý chí lúc gặp khó khăn trở ngại được thừa nhận tất yếu của bản thể con người và không có cách nào khác. Chẳng hạn có quan điểm cho rằng: con người có thiên bẩm tự xông vào cái mà mình đáng né tránh, hoặc thoái lui khi gặp nguy hiểm"; có rất nhiều người có năng lực tự ra lệnh, tự thực thi mệnh lệnh của mình, nhưng cũng có không ít những người trong công việc lại tự khuyên nhủ mình hãy quan hệ lạnh nhạt, "Miễn suy nghĩ ".

Tự kích thích để tự động viên nỗ lực ý chí là hai mặt thống nhất mang tính tương đối của quá trình tự điều chỉnh tâm lý hoạt động. Chúng có mối liên hệ tác động qua lại lẫn nhau. Trong trường hợp khó khăn, phức tạp không lớn, mỗi VĐV thường chuyển hoá tự kích thích sang tự động viên nỗ lực hành động một cách mau lẹ và nhẹ nhàng. Nhưng khi gặp tình huống huống khó khăn, trở ngại, phức tạp nếu cường độ tự kích thích chưa đủ để gây chuyển biến cho tự động viên nỗ lực, thì VĐV có ý chí thường sử dụng nhiều đến biện pháp tư duy để hỗ trợ cho hành động tính tích cực tổng hợp nhằm huy động nội lực thực thi hành động. Bởi vì ý chí không phải là bất khả chiến thắng hoặc không có giới hạn.

Trong hoạt động thể thao có không ít trường hợp đã kích thích đủ cách, tự nỗ lực hết mình rồi mà kết quả vẫn không vượt được khó khăn. Và lối thoát cuối cùng là nhờ HLV tác động kích thích về giá trị của sự thành công của nhiệm vụ người VĐV để gây nhận thức ở họ cần thiết phải tìm biện pháp tối ưu khắc phục khó khăn cho bản thân mình.

Tóm lại tự kích thích để tự nỗ lực là cơ chế tâm lý chủ yếu của hoạt tự điều chỉnh tâm lý hoạt động...

Vấn đề còn lại cần làm sáng tỏ là mối quan hệ của kích thích và tự kích thích; theo quan điểm của chúng tôi, kích thích và tự kích thích cùng có chung chức năng vừa là nguồn lực của động cơ vừa là nguồn gốc của hành vi tự ra lệnh nỗ lực ý chí, cũng như sự chỉnh đốn quá trình chú ý. Đó là sự căng thẳng tâm lý hướng nội để hiện thực hoá quy trình tự điều chỉnh. Nó cũng như bất kỳ một hoạt động nào của con người đều có hai công đoạn bên trong và bên ngoài, luôn tồn tại mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Kết luận:

1. Tự điều chỉnh tâm lý hoạt động thể thao khi gặp khó khăn, trở ngại được thực hiện theo cơ chế tự gây kích thích để gây ảnh hưởng nỗ lực bản thân thông qua giải pháp, gợi mở thêm động cơ phụ, xúc tiến chuyển hướng tích cực tâm lý nhằm đạt thành tựu cao của hoạt động như mục đích đã đề ra.

2. Tự kích thích, tự động viên có thể gây ảnh hưởng tích cực tới trạng thái xúc cảm, mất yếu tố góp phần quan trọng vào sự khắc phục phần lớn những khó khăn chủ quan trong quá trình tìm kiếm trạng thái tâm lý tối ưu của VĐV thể thao

3. Tự khuyên răn làm tăng khả năng làm việc cũng như sự điều khiển quản lý của VĐV. Hiệu ứng của tự khuyên nhủ cấu tạo nên nét ý chí của hoạt động tự điều chỉnh trong thời điểm khó khăn nhất.

4. Do có sự liên kết về mặt cấu trúc của yếu tố tự kích thích và tự khuyên bảo nỗ lực nên hứng khởi tâm lý hoạt động do kết quả tự điều chỉnh mang tính chất xúc động - ý chí, tuỳ thuộc tính chất của trạng huống, tính chất mức độ của khó khăn, trở ngại mà từ điều chỉnh có thể có lúc nghiêng về tự điều chỉnh xúc động hoặc tự điều chỉnh về nỗ lực ý chí cả về mặt cường độ, biên độ, nội dung và yêu cầu kết quả!

5. Sự tăng cường tình cảm - ý chí để khắc phục khó khăn trở ngại, có thể theo hai định hướng:

1. Nỗ lực ý chí, tối ưu hoá trạng thái xúc động đã khắc phục khó khăn.

2. Cải tiến tư duy về tổ chức lại hành động. Trong trường hợp có nguy cơ nguy hiểm thường phải sử dụng liệu pháp điều chỉnh xúc động, tự huy động xúc cảm tích cực đã có để tự khuyên bảo bản thân can đảm hơn trong hoạt động để sau đó tiếp tục tự kích thích tư duy tổ chức hành động như: huy động lượng thông tin cần cho thực hiện động tác kỹ thuật. Nếu khó khăn có tính chất yếu thể lực như trong trượt băng thì quy trình lại ngược lại. Trước tiên điều chỉnh tư duy tổ chức thao tác, sau đó mới đến kích động xúc cảm tích cực nỗ lực ý chí bằng liệu pháp tự khuyên bảo vượt lên khó khăn, nhất là lúc quá mệt hoặc là lúc gần về đích.

Biên dịch: Thái Hoà

Tạp chí "Lý luận & thực hành TDTT"

Số 12/2001

Trong tâm lý học, tự điều chỉnh hoạt động của con người có liên quan tới vấn đề làm xuất hiện ý chí với mức độ cần thiết trong trạng thái tình huống gặp khó khăn và trở ngại. Điều đó đã rõ, song trong nhiều hoàn cảnh tương tự, nhiều người lại quan niệm vấn đề không chỉ có ý chí và tình cảm, mà phải là tổng thể về nhân cách nói chung.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét