Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2010

Làm đúng việc tốt hơn là làm việc đúng

Trong một đợt tập huấn về quản lý thời gian cá nhân để nâng cao hiệu quả công việc, một giám đốc dự án đã rất bực bội khi thấy kết quả kiểm tra không như mong đợi. Các nhân viên xuất sắc nhất của ông không đạt kết quả cao về tính hiệu quả trong quản lý thời gian. Trái lại, những nhân viên mà ông cho là chưa sốt sắng trong công việc lại có kết quả khả quan hơn. Lý do là vì bài kiểm tra được thiết kế dựa trên nguyên lý: người dành thời gian cho công việc của cơ quan hơn là cho cá nhân và gia đình là người bị mất cân đối trong việc quản lý thời gian.



Quả vậy, những chuyên gia giỏi của vị giám đốc nọ rất tận tụy với công việc. Họ là những người đã và đang hy sinh đến sức khỏe, hạnh phúc của mình mà không hề hay biết hoặc khi biết thì trở thành thói quen, nếp sống khó sửa chữa được. Những người này thay gì dành thời gian cho việc hoạch định, tổ chức và thiết lập mục tiêu rồi mới tiến hành, thì lại lao vào giải quyết công việc không thiết đến quỹ thời gian quý giá mà tạo hóa đã ban cho mỗi người.

Trong cuốn Quản lý thời gian dành cho những người không thể quản lý được nó, Ann McGee-Cooper đã viết: "Nếu biết học hỏi để cân bằng giữa công việc và vui chơi, giải trí, cuộc sống của chúng ta sẽ hạnh phúc hơn". Theo các chuyên gia về quản lý thời gian, tỷ lệ thích hợp giữa công việc và vui chơi giải trí là 50-50. Vì vậy, thay vì khen thưởng động viên những nhân viên tận tụy với công việc cơ quan, nhà quản lý cần biết cách giúp cho nhân viên của mình có sự cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi.


Ngoài ra, việc tạo điều kiện gián đoạn công việc để nhân viên nghỉ ngơi đôi lúc lại là dịp để nhà quản lý "nhìn sâu vào hệ thống" một cách khách quan. Trong một cuốn sách giáo khoa về quản lý tài chính có kể câu chuyện rằng, một buổi sáng sớm nọ vị tổng giám đốc bước vào phòng tài vụ, ông rút ra một phong bì và tuyên bố rằng ban giám đốc quyết định thưởng cho kế toán trưởng một chuyến du lịch nước ngoài vì sự tận tụy của cô trong quý vừa qua. Ông đưa vé máy bay và yêu cầu cô bàn giao công việc cho người được chỉ định, để đi du lịch vào ngày hôm sau. Thật ra, ngoài việc tưởng thưởng, vị tổng giám đốc còn muốn thử tài quản lý của kế toán trưởng khi cô vắng mặt và nhân dịp này kiểm tra tài chính của mình có lành mạnh không.


Theo Peter Drucker, nhà sư phạm lỗi lạc về quản trị, để công việc đạt hiệu quả, cần làm đúng việc hơn là làm việc đúng (doing the right thing is more important than doing things right). Bởi vì làm đúng việc hiệu quả còn làm việc đúng chỉ đạt được năng suất của công việc. Cần tập trung vào tính hiệu quả (xác định việc đúng để làm) sau đó mới chú trọng vào năng suất. Hơn nữa, tập trung vào tính hiệu quả của công việc còn giúp chúng ta học cách nói "không" với một số công việc không quan trọng, có thể chuyển giao cho người khác thực hiện. Nghĩa là, chúng ta nên tập trung vào những công việc chỉ có một mình ta thực hiện mà thôi.


Hỡi nhưng nhân viên tham công tiếc việc, đừng nên quên bản thân mình. Và nên nhớ những ưu tiên của cuộc đời mình để biết nói "không" với một số công việc hàng ngày.


Nhà quản lý, bạn biết mình cần phải làm gì để gìn giữ và nuôi dưỡng vốn nhân lực quý giá này cho cơ quan rồi chứ?

Bảy nguyên tắc trong trao đổi kinh doanh



1. Bắt đầu ngay:

 Cố gắng thu hút sự chú ý của người nghe trong 30 giây đầu tiên. Nêu ra những kết quả mà họ muốn nghe hoặc đưa ra một thách thức mà họ không ngờ trước, hoặc đơn giản là nói lý do tại sao họ phải quan tâm đến vấn đề này.




2. Ngắn gọn và đơn giản:

 Giả sử người nghe rất bận rộn và họ đang phải suy nghĩ nhiều vấn đề. Hãy đưa thông tin một cách ngắn gọn và dễ nắm bắt ngay cả khi đó là một vấn đề rất rắc rối.



3. Nêu lên những điểm quan trọng:

 Để hoàn chỉnh nội dung thông tin, hãy cố gắng tìm ra những điểm quan trọng nhưng đừng vượt quá 6. Hãy thông báo những điểm quan trọng này càng sớm càng tốt.



4. Đưa ra slogan dễ nhớ:

Hãy giúp người nghe nhớ đến thông tin của bạn bằng cách tìm ra slogan ngắn dưới 10 từ thể hiện được nội dung thông tin. Hãy viết ra khoảng 5 đến 10 slogan trước khi chọn lấy một câu tối ưu. Hãy đề cập đến slogan lúc bắt đầu trình bày và lặp lại nó khi kết thúc.



5. Kêu gọi hành động:

 Mục đích của việc trao đổi là để hướng dẫn người nghe làm một cái gì đó như mua hàng, ký kết hợp đồng... Hãy chắc chắn rằng những điểm quan trọng mà bạn đã nhấn mạnh sẽ hướng người nghe đến quyết định như mong muốn. Khi kết thúc, hãy chỉ ra lý do tại sao bạn tự tin về nội dung mình vừa nói và yêu cầu họ thực hiện quyết định.



6. Lập kế hoạch:

Trước khi tiến hành trao đổi hãy lập kế hoạch cụ thể bao gồm những nội dung chính. Hãy dùng kế hoạch này để kiểm tra phương pháp của bạn, để thu thập thêm thông tin và tạo lòng tự tin.



7. Triển vọng:

Hãy tìm hiểu kỹ càng người nghe. Phải biết họ đang suy nghĩ gì, những điều mà họ quan tâm và những áp lực họ đang phải đối phó. Sau đó, xem xét là nội dung công việc kinh doanh mà bạn định trao đổi trên cơ sở triển vọng tương lại của người nghe. Nếu bạn thấy không phù hợp thì hãy lựa chọn một công việc khác

80/20 QUI LUẬT VÀNG CỦA MỌI THỜI ĐẠI

Vào một lúc nào đấy trong cuộc sống, chúng ta sẽ biết qua quy luật 80/20. Khá đơn giản, vì quy luật này nói lên rằng với 20% nỗ lực sẽ tạo ra 80% kết quả cuối cùng.
Có thể bạn đã biết đến quy luật này dưới cái tên “Quy luật Pareto” hay “Quy luật nỗ lực tối thiểu”. Tôi dám chắc với bạn rằng, đây là một khái niệm tiềm ẩn bên trong nó nguồn sức mạnh to lớn. Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ định hướng được thời gian và sức lực của mình vào những việc có thể mang lại kết quả khả quan nhất.



Tổng quan về quy luật 80/20


Vào năm 1897, Vilfredo Pareto, một nhà kinh tế học người Italia, trong khi đang học về sự phân bố của cải và thu nhập tại nước Anh trong thế kỷ 19, đã phát hiện ra, phần lớn diện tích đất đai và thu nhập được kiểm soát bởi một lượng nhỏ số người trong xã hội. Trên thực tế, 20% dân số kiểm soát đến 80% của cải và thu nhập.


Trong những phân tích và nghiên cứu tiếp theo, nhà kinh tế học huyền thoại này đã phát hiện ra rằng, nguyên tắc này không chỉ đúng trong nhiều quốc gia, giai đoạn lịch sử mà còn đúng với những gì xảy ra ngay trong khu vườn ông ta. Ở đây, ông ta thấy được, chỉ 20% cây đậu Hà Lan ông trồng đã cho ra đến 80% hạt đậu mà ông thu hoạch được.


Từ khi quy luật này ra đời, nhiều nhà nghiên cứu khác đã phát biểu tương tự như: 20% tội phạm là nguyên nhân của 80% các vụ phạm tội. 20% số người lưu thông trên được tạo ra 80% các vụ tai nạn. 20% tuyền đường chiếm 80% lưu lượng xe cộ hàng ngày. 20% những lỗi hàng hoá làm nảy sinh 80% các vấn đề rắc rối.


Thường gặp nhất là chúng ta vẫn nghe nói rằng, 20% khách hàng tạo ra 80% lợi nhuận cho một doanh nghiệp.


Tôi tin rằng, các bạn thử quan sát xung quanh mình hay nhìn lại quỹ thời gian hàng ngày, Hãy xem những kết quả bạn đạt được, chúng xảy ra theo quy luật 50/50 hay 80/20?.


Richard Kock, người sáng lập ra Bain & Co và BCG Consultant, từng khẳng định rằng: “20% việc chúng ta làm tạo ra 80% kết quả, nhưng 80% công việc còn lại chỉ tạo được 20% kết quả cuôi cùng mà thôi. Chúng ta đang phí phạm 80% thời gian của mình vào những việc kém hiệu quả”. Vậy lời khuyên của Koch là, thay vì cật lực theo đuổi tất cả các cơ hội sẵn có, chúng ta hãy bình tĩnh hơn, làm việc ít hơn và tập trung định hướng vào những mục tiêu có giá trị nhất dựa trên cách suy nghĩ của quy luật 80/20”.


Luật 80/20 trong cuộc sống kinh doanh


Vài tháng trước, tôi có nói chuyện một người bạn làm trong lĩnh vực in ấn quảng cáo. Anh ta đang cố gắng mở rộng hệ thống và muốn tìm kiếm những khách hàng tiềm năng mới. Rất tiếc, anh ta chỉ đủ thời gian để quản lý hệ thống những khách hàng sẵn có, nên chưa thể phát triển được. Khi tôi nói về quy luật 80/20, anh ta phát hiện ra rằng, chỉ có khoảng 20% khách hàng đem lại hầu hết lợi nhuận trong công ty. Trong khi, 80% số khách hàng hiện tại chẳng những không đem lại nhiều lợi nhuận mà đôi khi còn khiến anh ta mệt mỏi. Có thể còn nhiều yếu tố liên quan đến quản trị doanh nghiệp, xây dựng chiến lược kinh doanh trong trường hợp này, nhưng điều tôi muốn nói ở đây là, quy luật 80/20 tồn tại trong nhiều trường hợp hiển nhiên, đến mức chúng ta đôi lúc chẳng nhận ra sự hiện diện chúng.


Ngày nay, mở rộng kinh doanh có lẽ là mong muốn của hầu hết các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp dường như luôn thích thú với ngọn núi bên cạnh hơn là ngọn núi mình đang đứng. Kết quả, họ mất đi sự tập trung cần thiết để duy trì và phát triển thế mạnh của mình. Trong khi lẽ ra phải tập trung hơn vào sở trường, họ lại thích dàn trải hơn và trong hầu hết các trường hợp, kết quả kinh doanh thường bi quan hơn.


Trên thị trường, có rất nhiều chủng loại sản phẩm mà ở đây, 20% thương hiệu đứng đầu chiếm đến 80% thị phần. Đó cũng chính là lý do vì sao tập đoàn GE có lúc đã bán đi tất cả thương hiệu không phải là đứng đầu hay đứng thứ hai. Trong kinh doanh nói chung và marketing nói riêng, tập trung luôn là một vấn đề cốt lõi và cần thiết để thành công. Cho dù đó là một thành công về thị phần, doanh thu hay sự phát triển dài hạn trong tương lai. Vậy ngay hôm nay, hãy xác định những sản phẩm hay khách hàng nằm trong “Top 20%” của mình và dành cho họ nhiều thời gian và nỗ lực, bạn nhé!


Nghiên cứu – học tập


Bạn thường đọc một cuốn sách như thế nào? Từ trang này sang trang khác? Như vật, bạn đang lãng phí rất nhiều thời gian của chính mình. Thông thường, 80% những thông tin có giá trị nhất gói gọn trong 20% nội dung của quyển sách và nó thường chỉ chiếm 20% thời gian so với khoảng thời gian hầu hết mọi người xem xong toàn bộ quyển sách.


Nếu bạn đọc một quyển sách hay tài liệu để giải trí, tôi khuyên bạn hãy thử đọc mục lục và phần giới thiệu đầu tiên. Sau đó, là phần kết luận trước khi sang chương đầu, xem qua các biểu đồ, hình vẽ nếu có. Quay lại phần kết luận một lần nữa và có thể xem chi tiết vài phần bạn cảm thấy thật sự thú vị. Với cách đọc như vậy, bạn sẽ nắm được nội dung chính yếu nhất của quyển sách. Tốt hơn nữa, bạn có thể ghi chú lại hoặc làm “slide” tóm tắt về nó. Việc cần và nên làm là, nhớ xem chúng ta có thể tìm được thông tin cần thiết ở đâu từ tài liệu đã xem trong thời gian ngắn nhất. Trong thế giới tràn ngập những thông tin quá tải như hiện nay, việc rèn luyện và tuân thủ theo quy luật 80/20 là cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.


Xã hội


Hãy ngẫm lại xem, có lẽ bạn sẽ nhận ra rằng, 20% số bạn bè của bạn đem đến cho bạn 80% niềm vui và sự hài lòng. Có vẻ hơi khó nghe nhưng tại sao bạn không dùng nhiều thời gian gặp gỡ những người bạn giúp bạn cảm thấy vui vẻ và thoải mái hơn những người bạn khác? Giữ cho tinh thần thoải mái cũng là một yếu tố rất quan trọng để giữ gìn sức khoẻ và đạt được thành công trong công việc. Vậy tại sao không áp dụng ngay quy luật 80/20 này vào cuộc sống để xem bạn sẽ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn như thế nào?


Tổng kết


Theo Richard Koch, “Quy luật 80/20, có thể giải phóng bạn. Bạn có thể làm việc ít hơn mà vẫn có thể kiếm nhiều lợi nhuận hơn, vui vẻ và nhàn nhã hơn”.


Hiện tại, người ta đã nói đến quy luật 90/10. Trên thực tế, 10% dân số thế giới đang nắm giữ 90% tài sản, trong khi 90% dân số còn lại chỉ sở hữu có 10% toàn bộ tài sản trên thế giới. Nỗ lực tối thiểu đang tạo ra kết quả to lớn hơn, đòi hỏi chúng ta cần phải tập trung cao độ hơn. Nếu bạn muốn nằm trong số 10% dân số nói trên, tôi tin rằng quy luật này rất cần thiết và hữu ích cho bạn.


Sau cùng, xin nhớ rằng, cố gắng ít hơn và kết quả cao hơn mới là những điều thật sự tốt. Hãy bắt đầu tìm kiếm và củng cố 20% của riêng mình để tiếp tục nâng hiệu quả làm việc lên gấp nhiều lần, bạn nhé!

21 nguyên tắc của các triệu phú “tay trắng làm nên”


Bằng cách nghiên cứu các hành vi ứng xử của hàng ngàn triệu phú giàu lên nhờ vào chính bản thân mình, Brian Tracy - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành của Brian Tracy International, một công ty chuyên về đào tạo và phát triển cá nhân và các tổ chức, đã đúc rút được 21 phẩm chất làm nên thành công của họ. Bản thân Brian Tracy đã từng tư vấn cho hơn 1.000 công ty và hơn bốn triệu người ở Mỹ, Canada và 40 nước khác trên thế giới. Những nguyên tắc mà Tracy đưa ra có thể đã trở nên quá hiển nhiên đối với nhiều người, nhưng đó là những nguyên tắc bất hủ và phải luôn được đề cao. Khi áp dụng các nguyên tắc này, các doanh nhân có thể tạo ra những thay đổi lớn trong suy nghĩ, hành động, thói quen, thu nhập và lối sống của mình…

1. Nuôi dưỡng những ước mơ lớn. Hãy hình dung, tưởng tượng và tạo ra một bức tranh, một viễn cảnh đầy niềm vui, bình yên và giàu có.

2. Vạch ra một hướng đi rõ ràng. Hãy tìm hiểu, khám phá xem mình muốn đi về đâu, khi nào đường đi sẽ gặp gập ghềnh, trở ngại. Đây chính là cơ sở của việc xây dựng các mục tiêu.


3. Xem bản thân như một người tuyển dụng chính mình. Càng làm chủ tương lai của mình, người ta càng có khả năng tạo ra các ảnh hưởng cho nghề nghiệp và cuộc sống. Không nên trông chờ vào những ý tưởng hay những đề xuất từ sếp hay tổ chức tuyển dụng mình. Khi suy nghĩ độc lập, chúng ta sẽ thấy mình đang bước đi trên một con đường rất thú vị.


4. Làm những điều mà mình yêu thích. Hãy khám phá niềm đam mê, sở thích của mình, suy nghĩ theo những cách sáng tạo để biến niềm đam mê đó thành một phương cách kiếm tiền và theo đuổi nó.


5. Hướng đến sự hoàn hảo. Hãy nghĩ rằng chúng ta sinh ra là để làm những điều xuất sắc nhất và lấy việc hướng đến sự hoàn hảo làm niềm vui.


6. Không cần làm việc nhiều thời gian hơn và cật lực hơn, mà làm việc thông minh hơn. Hãy tổ chức công việc một cách khoa học sao cho có thể làm được nhiều việc hơn trong một thời gian ngắn và tạo ra nhiều giá trị hơn trong công việc.


7. Không ngừng học hỏi. Đây là điều rất cần thiết đảm bảo cho sự thành công và khả năng làm giàu. Tất cả những người thành công đều có chung đặc điểm này.


8. Tự thưởng cho mình trước. Đây là nguyên tắc tích lũy sự giàu có mà tất cả mọi người đều có thể áp dụng và nên áp dụng.


9. Tìm hiểu tất cả các khía cạnh của công việc kinh doanh. Hãy phấn đấu để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mà mình đã chọn.


10. Tận tâm với việc phục vụ người khác. Đây chính là bí quyết được giữ kín nhất và là khởi đầu cho sự giàu có của những triệu phú “tay trắng làm nên”. Nguyên tắc này đã được chứng minh qua thời gian.


11. Tuyệt đối thành thật với bản thân và những người khác. Tính trung thực, liêm chính là một phẩm chất quan trọng hàng đầu.


12. Đặt ra các thứ tự ưu tiên trong công việc và chỉ nên tập trung từng việc một. Sự tập trung là chìa khóa để đạt được kết quả tốt nhất trong công việc.


13. Xây dựng uy tín về tốc độ và sự tin cậy. Hãy tạo ra cho mình một ưu thế so với các đối thủ khác trên mọi phương diện.


14. Sẵn sàng đi từ đỉnh cao này đến đỉnh cao khác. Hãy tìm hiểu các chu kỳ, các xu hướng và điều chỉnh hành động của mình cho phù hợp.


15. Có ý thức kỷ luật cao với bản thân trong mọi vấn đề. Hãy phát huy phẩm chất quan trọng nhất này để đạt được sự thành công về mặt tài chính và trong cuộc sống cá nhân.


16. Đánh thức khả năng sáng tạo của bản thân. Sự sáng tạo sẽ giúp chúng ta tăng khả năng giải quyết vấn đề, vượt qua các khó khăn, trở ngại.


17. Làm bạn với những người tốt, người giỏi. Nên giao lưu với những người chiến thắng để học hỏi họ.


18. Quan tâm đặc biệt đến sức khỏe bản thân. Phải có ý thức cao trong việc tạo cho mình một thể trạng sung mãn và có sức khỏe tốt để đón nhận cuộc sống đầy cơ hội và thách thức.


19. Kiên định và chú trọng đến hành động. Trong mỗi giai đoạn phát triển, mỗi công việc, hãy xác định những bước hành động quan trọng nhất mà mình có thể thực hiện tức thời rồi kiên định, quyết tâm với việc làm đó.

20. Không bao giờ xem thất bại là một sự lựa chọn. Hãy vượt qua nỗi sợ thất bại. Hầu hết các nỗi sợ hãi đều hình thành từ sự tưởng tượng và từ những kinh nghiệm trong quá khứ.

21. Thử tính kiên trì. Hãy học cách nhẫn nại vượt qua khó khăn, đứng lên từ thất bại và không bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc.

14 bí quyết để luôn chiến thắng trong các cuộc tranh luận


Dù bạn có muốn hay không thì các cuộc tranh luận vẫn là một phần tất yếu trong kinh doanh. Nhưng để luôn chiến thắng trong các cuộc tranh luận và phát huy tính tích cực của chúng, bạn hãy nắm vững những bí quyết quan trọng mà tạp chí Nhà quản trị giới thiệu dưới đây:




Trong giao tiếp đôi khi không tránh khỏi những cuộc tranh luận, thường là do cái tôi của mọi người quá lớn và hậu quả của các cuộc tranh luận này là làm mất thời gian, thậm chí còn làm sứt mẻ tình cảm. Tuy nhiên đôi lúc các cuộc tranh luận cũng đem lại lợi ích nào đó, chẳng hạn tăng cường khả năng thăng tiến hoặc sự phát triển về mặt tinh thần cá nhân bạn.



Cách tốt nhất để tránh một cuộc tranh luận là đừng để nó xảy ra. Tuy nhiên điều này là rất khó, và nếu bạn thường xuyên né tránh các cuộc tranh luận thì mọi người có thể cho rằng bạn yếu kém về năng lực và không dám tin vào những giá trị của riêng mình đồng thời không có quan điểm riêng vì thế hãy lựa chọn và tham gia các cuộc tranh luận mà bạn cho là thực sự có ích. Hãy phát huy tối đa năng lực của bạn sao cho cuộc tranh luận sẽ không rơi vào một cuộc kịch chiến không có kết quả.

1. Tôn trọng ý kiến của người khác

Mỗi người có những niềm tin khác nhau, và bạn đừng bao giờ coi thường niềm tin của những người bất đồng ý kiến với bạn. Đừng bao giờ vội quy kết họ là sai, cho dù nếu trên thực tế có đúng là như vậy đi chăng nữa. Bạn cần nhớ rằng bạn không phải là người canh gác cho khẩu hiệu "Tất cả những gì tôi biết là đúng". Bạn cũng có thể là người có những nhận xét chưa đúng lắm chứ.



2. Đặt mình vào hoàn cảnh người khác

Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu kẻ khác ném những luận điệu hắn ta khăng khăng cho là đúng vào mặt mình? Bạn nên bình tĩnh diễn đạt sự không thống nhất của bạn một cách nhẹ nhàng, và nhấn mạnh rằng ý kiến của bạn xuất phát từ những góc độ khác với họ.

3. Thừa nhận sai lầm

Ngay từ khi bạn nhận ra sai lầm, đừng chần chừ một phút nào mà hãy thừa nhận sai lầm của mình ngay lập tức. Bạn sẽ thấy ngay hiệu quả của sự thẳng thắn dám nhận sai lầm của mình ngay tức thì: Người kia không chỉ tôn trọng bạn hơn hẳn mà còn rất coi trọng ý kiến của bạn hơn trong tất cả các lần tranh luận sau. Hơn nữa, đối phương cũng sẽ nghĩ rằng về sau này, nếu anh ta sai lầm thì bạn cũng sẽ rất dễ dàng chấp nhận điều đó và bỏ qua cho anh ta. Mọi người thường có những so sánh liên tưởng kiểu như vậy, và ai cũng thích những người hùng rộng lượng.

4. Khởi động một cách nhẹ nhàng

Tất cả những cuộc tranh luận bắt đầu từ khi một người đưa ra những đòi hỏi về người khác, chẳng hạn như ông chủ yêu cầu nhân viên phải làm một nhiệm vụ gì đó theo cách của ông ta mà người nhân viên này lại cho rằng điều đó phương hại đến lợi ích của mình. Vì thế khi mở đầu một cuộc tranh luận bằng giọng điệu nhẹ nhàng, điềm tĩnh và tự kiểm soát được giọng nói, bạn sẽ khiến đối phương không cảm thấy bị tấn công để họ vẫn cảm thấy thoải mái. Mọi người đều có bản năng tự vệ, vì thế nếu bạn bắt đầu cuộc tranh luận một cách gay gắt thì chỉ càng làm cho bản năng tự vệ của họ được tăng cường mạnh hơn mà thôi. Sự duyên dáng và nhẹ nhàng sẽ làm cho đối phương cảm thấy không thể sử dụng thái độ căng thẳng và công kích với bạn.

5. Hãy dẫn dắt đối phương đồng ý với một trong các quan điểm của bạn

Cho dù chủ đề đó là gì đi chăng nữa hay nó có nhỏ nhặt đến đâu, hãy cố gắng tìm ra một quan điểm của bạn. Đây là một kỹ năng nhỏ nhưng cực kỳ hiệu nghiệm. Mục tiêu của nó là làm cho đối phương thay đổi quan điểm rằng bạn là đối thủ của anh ta, và vì thế bạn cần anh ta nhẩy vào chung chiến hào của mình. Bằng cách đồng ý với bạn, ngay cả với những sự thật hiển nhiên như giá của một loại xe ô tô nào đó đang bị định giá quá cao chẳng hạn, bạn sẽ đem lại cho đối phương cảm giác rằng cả bạn và anh ta đều có thể có những suy nghĩ giống nhau. Đây là một kỹ thuật mang tính tâm lý và thường được những nhà tiếp thị từ xa vận dụng thường xuyên. Nếu nó là kỹ năng đem lại miếng cơm manh áo cho họ thì cớ gì bạn không tận dụng ưu điểm của nó chứ?

6. Hãy để họ có cơ hội lên tiếng

Trong một cuộc tranh luận, hãy cố gắng lắng nghe. Làm sao mà bạn có thể chiến thắng nếu bạn cứ thao thao bất tuyệt và không cho người khác cơ hội được diễn đạt quan điểm của mình và được chia sẻ. Bạn hãy cố gắng nói nhiều hơn một chút. Như vậy là bạn đã cho họ một ân huệ, và họ sẽ cảm kích về cái sự “rộng lượng” này của bạn. Điều này giống như là bạn hẹn gặp một người phụ nữ, sau đó để cho cô ta thao thao bất tuyệt liên tục trong 2 giờ liền còn bạn chỉ chăm chú lắng nghe và gật đầu tán thưởng. Kết quả là gì nhỉ? Kết thúc cuộc hẹn, cô ta sẽ đứng lên và ca ngợi bạn hết lời đồng thời cảm ơn bạn vì thời gian tuyềt vời vừa rồi. Chuyện tương tự cũng sẽ diễn ra trong một cuộc tranh luận. Thêm vào đó, khi họ càng nói nhiều thì họ càng có nhiều sơ hở. Vì thế hãy lắng nghe, hãy tìm ra sự thực trong những tranh luận và đưa ra quan điểm thuyết phục của mình.

7. Đó không phải là ý kiến của bạn mà là của mọi người

Đây là một trong những kỹ năng cực kỳ hiệu nghiệm. Để dẫn dắt một cuộc tranh luận, bạn hãy tìm cách đưa đẩy cuộc đối thoại sao cho đối phương của bạn sẽ cảm thấy rằng những điều mà bạn muốn họ làm chính là ý tưởng của họ chứ không phải sự áp đặt của bạn. Có thể bạn sẽ phải hy sinh là khi công việc hoàn tất thì người đó sẽ nghĩ rằng đó là do ý tưởng của anh ta đúng. Tuy nhiên đây chỉ là một sự đánh đổi nhỏ bé với cái mà bạn đạt được là sự hoàn tất công việc và sự tâm phục khẩu phục của đối phương. Đó mới chính là điều cốt yếu nhất. Để đạt được điều này, bạn hãy nuôi dưỡng cho cuộc tranh luận tiến dần đến một kết quả tất yếu. Sau đó, bạn hãy để cho đối phương tự rơi vào trận địa bạn sắp đặt, hãy đưa ra kết luận trên cơ sở các ý tưởng của họ.

8. Hãy là người cởi mở và chân thành

Bạn không những phải hiểu rằng mọi người có những quan điểm khác nhau mà bạn cần phải đi xa hơn bằng cách cố gắng hiểu nguyên nhân dẫn đến những thái độ này. Vì thế hãy chân thành hỏi mọi người để hiểu rõ vì sao họ có những quan điểm như vậy? Vì tất cả mọi người chúng ta đều có thể mắc sai lầm nên bạn cũng cần rộng lượng cho rằng đối phương sai lầm là điều đương nhiên. Hãy hiểu rõ họ và từ đó đề xuất quan điểm của mình.

9. Cảm thông với những mong muốn của đối phương

Hãy luôn nhớ rằng trong lúc bạn mong muốn một điều gì đó từ phía đối phương thì đối phương cũng có những mong muốn tương tự bạn. Mọi người đều có những mong muốn của riêng mình. Họ đến công sở để có đồng lương,họ đến câu lạc bộ tập thể dục để trở thành hấp dẫn hơn; ai cũng có kế hoạch thực hiện các mong muốn của mình. Nhận ra điều này, bạn có thể đưa nó vào cuộc tranh luận. Hãy đi tới điểm tranh luận rằng có những khả năng sẽ có lợi cho cả hai đem lại tình thế thắng - thắng cho cả hai chứ không phải thắng thua, tức nhất định phải có kẻ thua người thắng. Hãy tìm cách chứng minh rằng nếu làm theo cách của bạn, cả hai sẽ cùng có lợi.

10. Hãy thẳng thắn

Bởi vì người ta đã chứng minh rằng những kẻ lạnh lùng nhất cũng có tâm tư riêng của mình. Vì thế hãy đưa ra các lý do về đạo đức và nhân bản khi lý giải quan điểm của mình. Ai cũng có lòng hướng thiện của mình và không ai muốn làm những điều phi đạo đức cả. Chẳng hạn nếu bạn là nhà quản trị, khi thương lượng giảm lương của một người hãy lưu ý rằng điều này là bạn không mong muốn nhưng tình hình công ty đang khó khăn và sự giảm lương của một người có thể giúp cho công ty không thể sa thải thêm nhiều người khác kể cả những người có hoàn cảnh khó khăn. Ai mà chẳng muốn giúp đỡ người khác cơ chứ bạn có đồng ý không nào?

11. Thiết lập các luận cứ vững chắc

Hãy củng cố các lập luận của bạn, đưa vào các con số và sự kiện để tăng tính thuyết phục. Đưa ra các ví dụ cụ thể và thực tiễn để minh hoạ cho quan điển của bạn. Nếu bản thân lập luận bạn về một khoa học là hợp lý và đúng đắn thì chắc là mọi người chẳng ai muốn phản đối. Hãy cố gắng sử dụng các minh hoạ nhìn thấy được vì chúng thường là thứ mà không ai có thể phản bác.

12. Đưa ra các thách thức

Về mặt di truyền nam giới thường tự kiêu và không muốn người khác nói với mình rằng có những điều họ không thể làm được. Họ lúc nào cũng mong muốn chứng minh tính cách đàn ông của họ bằng cách này vì thế hãy biết cách kích thích họ tự nói về mình. Chẳng hạn có thể nói thế này: “Mọi người ở phòng bên nói là cậu có thể tăng doanh số lên chừng 25%. Tuy nhiên cá nhân tôi thì tôi thấy khó có thể như vậy, nhưng không hiểu cậu nghĩ sao”. Thế rồi bạn chỉ việc ngồi đó và nghe đối phương hăng say diễn giải kế hoạch của mình. Điều cần lưu ý là hãy tìm cách thực hiện điều này khéo léo, tránh gây nghi ngờ.

13. Hãy tỏ ra lạnh nhạt

Một cuộc tranh luận thường làm nóng lên bầu không khí đối thoại. Một số cuộc tranh luận thường nảy sinh các xúc cảm không thể kìm nén và các xúc cảm này sẽ dễ dàng bị bộc lộ. Vì thế, bạn hãy cố gắng giữ vững sự bình tâm và không để cho cảm xúc lấn át các luận điểm của mình. Bạn có thể tỏ ra cứng rắn và kiên quyết trong quan điểm của mình, nhưng hãy cố uốn lưỡi vài lần trước khi nói. Trò chơi này giúp bạn kiểm soát các cảm xúc, không để chúng bùng phát ra cùng với cuộc tranh luận. Hãy tỏ ra là người chuyên nghiệp và bám vào sự kiện và con số chứ không phải cảm xúc và đối phương sẽ phục bạn ngay.

14. Hãy biết dừng lại đúng lúc

Đây là điểm cuối cùng mà bạn cần chú ý, khi đã cảm thấy đạt được mục đích hoặc khi nhận cuộc tranh luận bắt đầu vô bổ và đi quá xa làm sứt mẻ các quan hệ khác, hãy khôn ngoan là người chủ động chấm dứt cuộc tranh luận này. Song biết cách dừng lại đúng lúc là điều những người khôn ngoan cần phải học và nắm vững. Đây là 14 bí quyết quan trọng giúp bạn chiến thắng trong các cuộc tranh luận. Hãy biến các cuộc tranh luận thành những cuộc trao đổi thú vị, có tinh thần xây dựng, giúp các bên hiểu nhau hơn và cùng nhau thực hiện những mục tiêu chung.



Nắm vững 14 bí quyết quan trọng trong các cuộc tranh luận, bạn sẽ gạt ra ngoài những bất đồng, xây dựng niềm tin trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau và cùng hướng tới mục tiêu kinh doanh chung.

12 bí quyết thành công: Những kinh nghiệm của Microsoft


Khởi đầu chỉ là hai người bạn cùng làm việc chung trong một cǎn phòng nhỏ tại ký túc xá. Rồi từng bước, Bill Gates đã đưa Microsoft nhanh chóng trở thành một trong những công ty máy tính hàng đầu ở Mỹ. Bí quyết của Microsoft là gì?



Chính Microsoft đã tổng kết được 12 kinh nghiệm.


1. Phải chiếm lĩnh 100% thị trường.

 Đây là mục tiêu chính được đặt ra cho tất cả các nhân viên trong toàn công ty. Mỗi quyết định, mỗi cuộc họp, mỗi sáng kiến, mỗi mẫu thiết kế sản phẩm... đều phải hướng tới mục tiêu cơ bản và hàng đầu này.


2. Chỉ tập hợp những người giỏi nhất.

 Microsoft tuyển dụng nhân sự rất khắt khe, kiên quyết chỉ thuê nhận vào làm việc những người giỏi, thực sự có nǎng lực. Bởi những người mới được tuyển dụng sẽ là đồng nghiệp, đồng sự và sẽ cùng làm việc; không ai được trở thành gánh nặng cho người khác. Microsoft cho rằng, chất lượng nhân sự là quan trọng nhất, và quyết định đến nǎng suất của công ty.

Không có hệ thống quản lý nào dù tốt đến đâu có thể bù đắp được sự thiếu thốn lực lượng nhân viên giỏi, nhưng có thể ngược lại

3. Dám đánh cược cả công ty.

"Chúng ta sẵn sàng đặt cược tương lai cả công ty cho hệ điều hành Windows" - Bill Gates từng tuyên bố như vậy, nhưng 3 nǎm sau ông lại tuyên bố: "Chúng ta đặt cược tương lai cả công ty cho mạng Internet".

Ngay sau khi một sản phẩm mới của công ty chiếm lĩnh được thị trường, Microsoft liền nhanh chóng tìm cách loại bỏ nó, thay nó bằng một sản phẩm mới tốt hơn. Điều này có nghĩa là Microsoft luôn luôn tìm cách cải tiến các sản phẩm của mình.


4. Sẵn sàng chịu thất bại.

Những nhân viên của Microsoft không bao giờ bị khiển trách khi không may gặp những sai lầm, hay thất bại trong quá trình làm việc (trừ những trường hợp quá mức); và sẽ được thưởng xứng đáng khi thành công. Do đó, mọi người luôn cố gắng, mà không phải lo lắng về những thất bại có thể xảy ra. Với Microsoft, thất bại là điều bình thường! Không ai có thể thành công mà không từng thất bại.


5. Nâng cao nǎng lực của nhà quản lý

Các nhà quản lý phải có kiến thức về chuyên môn. Yêu cầu của Microsoft là các nhà quản lý phải hoàn toàn hiểu rõ, và thực sự có khả nǎng làm được công việc mà nhân viên cấp dưới đang thực hiện. Ví dụ các nhà quản lý các nhóm lập trình đều là những lập trình viên có trình độ thuộc loại khá đến xuất sắc, kể cả chính Bill Gates.


6. Sự quan tâm cao nhất của người quản lý.

Tại Microsoft, công việc của từng người và từng bộ phận luôn được các nhà quản lý kiểm soát chặt chẽ, và điều chỉnh kịp thời nhằm đạt tới mục tiêu chung của toàn công ty. Các nhà quản lý, kể từ Bill Gates, đều có thể nhanh chóng tập trung mọi nǎng lực để dễ dàng giải quyết các vấn đề phát sinh.

7. Tính đoàn kết và tinh thần đồng đội.

 Đây là một yếu tố quan trọng đối với mọi công ty, nhất là các công ty mới thành lập. Tại Microsoft, mọi người đều ý thức rõ rệt được tinh thần này. Đoàn kết và tinh thần đồng đội là ưu thế quan trọng của công ty đối với sự cạnh tranh gay gắt để phát triển trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.


8. Qui mô và cấu trúc công ty nǎng động, hiệu quả.

 Microsoft nhận ra rằng: một công ty phát triển càng lớn thì càng dễ trở nên trì trệ; và các thủ tục hành chánh rườm rà sẽ trở nên quan trọng hơn chính công việc... Do đó, Microsoft đã được tổ chức như một tập hợp nhiều công ty nhỏ, với các chức nǎng độc lập: thiết kế, thử nghiệm, tiếp thị, kinh doanh. Phần lớn các chức nǎng được công ty thực hiện một cách riêng biệt trong mỗi dự án, bằng cách tổ chức nhiều nhóm nhân viên riêng biệt trong công ty, mỗi nhóm có một tiến trình hoạt động tốt nhất cho mình. Nhờ vậy, hoạt động của công ty nǎng động và có hiệu quả hơn.

9. Thực hiện tiết kiệm tối đa.

Tại Microsoft không hề sử dụng một thư ký nào làm việc. Ngay cả Bill Gates và các phó chủ tịch, mỗi người chỉ có một trợ lý với trách nhiệm rất khác xa so với trách nhiệm của một thư ký. Các trợ lý này giúp nhà quản lý trong việc điều hành các nhóm nhân viên, họ được phép có những quyết định khi cần thiết. Tất cả mọi người trong công ty, kể cả Bill Gates đều tự mình đánh máy, đọc e-mail khi làm việc.

10. Tạo ra động lực để mọi người luôn nỗ lực.

 Động lực chính để thúc đẩy mọi người tích cực và hứng thú làm việc là mọi người được đánh giá qua hiệu suất và mức độ thành công. Nỗ lực làm việc của người này cũng là áp lực để đồng nghiệp tích cực làm việc hơn.

11. Không nên phổ biến hóa những sai phạm.

Không như các công ty khác, thường đề ra các qui định kỹ lưỡng để bảo đảm mọi người (kể cả kém nhất) làm đúng những gì công ty muốn. Microsoft chủ trương: tất cả các nhân viên của mình đều là những người thông minh và vì vậy có thể xử sự khôn ngoan hơn, ví như nếu như có ai đó không hành động như ý muốn của công ty, công ty chỉ xử lý riêng cá nhân này, chứ không cần đề ra những qui định dài dòng, không cần thiết đối với nhiều người khác.


12. Tạo điều kiện cho nhân viên thoải mái như ở nhà.

Tại Microsoft, các nhân viên được làm việc trong những điều kiện hoàn toàn thoải mái như ở nhà: các vǎn phòng riêng biệt, và có thể tự sắp xếp bố trí lại vǎn phòng theo sở thích riêng. Không có qui định nào về cách ǎn mặc. Bởi mối quan tâm hàng đầu là công việc, chứ không phải là cái gì đó khác.

10 lý do hàng đầu có thể dẫn đến sự thất bại của nhà quản lý


Có thể có rất nhiều người đã từng làm việc dưới quyền của những ông chủ rất khó chịu. Có thể họ không tuân thủ kỷ luật lao động hoặc không đủ khả nǎng để làm việc đại diện cho ông chủ của mình. Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Morgan W. McCall, giáo sư về quản lý và tổ chức tại Đại học Nam California (Mỹ) thì dù người lao động có lỗi thế nào đi nữa, người quản lý cũng rất có thể sẽ mắc phải 1 trong các lỗi sau mà có thể sẽ khiến sự nghiệp quản lý của anh ta bị thất bại. Đó là:




1. Không nhạy cảm


2. Hành động một cách khác thường


3. Phản bội lại niềm tin


4. Kiểm soát chặt chẽ quá mức


5. Tham vọng quá mức


6. Không có khả nǎng suy nghĩ một cách chiến lược


7. Không có khả nǎng thích ứng với người quản lý mới


8. Quá phụ thuộc vào một người chỉ bảo cho mình


9. Đưa ra các quyết định nhân sự không hiệu quả


10. Không có khả nǎng giải quyết các vấn đề về hoạt động của phòng ban


Bạn là nhà quản lý? Bạn sẽ nghĩ sao nếu mình mắc phải một trong những lỗi này. Theo McCall, có rất nhiều cách để phát hiện điều đó và thường là người khác dễ nhận thấy điều đó hơn chính bản thân bạn. Vấn đề đặt ra là liệu bạn có đủ can đảm để hỏi họ? Nếu có can đảm thì liệu bạn có những mối quan hệ tốt với ai để họ trả lời bạn một cách thành thật?


Bạn cũng có thể tự mình nhận ra điều đó tùy thuộc vào lỗi mà bạn mắc phải. Chẳng hạn như:


Nếu bạn nghi ngờ mình đang quản lý chặt chẽ quá mức, hãy đứng ra xa và xem mọi người đang thực hiện mệnh lệnh của bạn một cách nhiệt tình hay đơn giản là họ tuân lệnh. Nếu bạn can thiệp vào một dự án mà bạn đã giao cho người khác, liệu họ có tỏ ra không tức giận và chống đối?


Đưa ra các quyết định nhân lực không hiệu quả sẽ được thể hiện rõ trong các trường hợp khi bạn thường xuyên hình thành các nhóm trong tổ chức nhưng hoạt động của chúng không hiệu quả, hoặc nếu bạn thường tuyển dụng những người theo hình tượng riêng của mình hoặc chỉ tuyển những chuyên gia. Giáo sư McCall cho rằng: "Càng đảm nhận trọng trách quản lý cao hơn, bạn càng cần những người có những kỹ nǎng và khả nǎng ở tầm rộng hơn dưới quyền để giúp đỡ bạn lãnh đạo".


Những dấu hiệu cho thấy bạn tham vọng quá mức chẳng hạn như quá ước ao được lên một vị trí quản lý cao hơn hoặc thường làm những việc mà người khác phải chịu phí tổn. Giáo sư McCall cho rằng: "Đó là khi mà một vài giá trị đạo đức quý báu của bạn đang chuyển sang khung màu tối. Nguồn gốc của sự lãnh đạo thành công là hiểu rõ giá trị của mình".


Giáo sư McCall cũng cho rằng, sẽ là một sai lầm khi phụ thuộc quá nhiều vào những điều tra về tình hình hoạt động. Ông nói: "Một số điều tra hữu ích hơn những điều tra khác. Tuy nhiên, những nhà quản lý khát khao những thông tin phản hồi thường tạo ra một môi trường làm việc nơi những cộng sự và nhân viên của mình sợ phải nói ra sự thật".


Giáo sư McCall cho rằng nên dùng những bản tổng kết đánh giá làm một công cụ hữu ích. Ông giải thích: "Nếu có những khác biệt giữa những nhóm đánh giá về bạn, chẳng hạn như xếp của bạn thì nghĩ là bạn rất tuyệt vời trong việc gì đó trong khi nhân viên của bạn lại nghĩ là bạn không giỏi giang gì về nó, hoặc giả như bạn bị đều đánh giá thấp về một loạt các tiêu chí thì ít nhất là bạn cũng biết phải đặt ra câu hỏi nào cho mình và cho người khác".


Có lẽ thách thức lớn nhất đối với việc vượt qua những lỗi lầm hay sai lầm "chết người" nói trên là phải học cách nhận trách nhiệm về những lỗi lầm đó trước tiên. Ông McCall nói: "Khi tôi phỏng vấn những nhà quản lý mà sự nghiệp của anh ta có vẻ đang tụt dốc, tôi nhìn thấy một xu hướng là gắn những điều đã xảy ra với những nguyên nhân bên ngoài. Họ không nhận thức được rằng một phần trong những nguyên nhân đó là từ chính họ. Thậm chí nếu nó chỉ chiếm 10 - 20% thì cũng là điều mà bạn phải chú ý và tìm cách khắc phục".

10 biện pháp mở rộng hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ

Thiếu vốn và huy động luôn là vấn đề gây đau đầu cho các doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ luôn ở trong tình trạng “đói vốn” trầm trọng. Họ phải đối mặt với những khó khăn rất lớn khi tìm kiếm những nguồn từ bên ngoài để cung cấp vốn cho chiến lược tăng trưởng của công ty. Với sự hạn hẹp về tài chính như vậy, các doanh nghiệp nhỏ cần phải nghĩ đến những phương cách sáng tạo để thúc đẩy công việc kinh doanh đi lên.



1. Ứng dụng Internet.

Internet sẽ cho phép các DN nhỏ tiếp cận một thị trường tương đối rộng lớn và phục vụ khách hàng toàn bộ 24h trong ngày. Chỉ với một khoản tiền nhỏ hàng tháng, bạn đã có thể quảng bá công việc kinh doanh của mình ra toàn thế giới. Nhưng cái lợi lớn nhất của Internet chính là nó tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các DN nhỏ và DN lớn. Một Website được thiết kế tốt có thể mở rộng phạm vi và quy mô kinh doanh của bạn thậm chí còn có thể tạo ra hình ảnh của một công ty có cơ cấu tổ chức tốt thay vì một DN nhỏ do mỗi một nhà quản lý điều hành. Xây dựng một Website tốt là bạn có thể cạnh tranh được với các công ty lớn.


2. Thuê mướn nhân công với chi phí thấp nhưng hiệu quả.

 Nếu bạn không đủ điều kiện thuê những người làm việc cả ngày, bạn có thể thuê những nhân viên bán hàng theo phương thức trả theo hoa hồng sản phẩm. Bạn sẽ chỉ phải trả cho họ dựa trên những gì họ thu được. Hoặc bạn có thể thuê những người sẵn sàng làm việc không lấy lương đổi lại sẽ là cổ phần của công ty nếu công ty làm ăn phát đạt. Có rất nhiều những người có tài sẵn sàng làm việc với thu nhập thấp để đổi lại có được sự đảm bảo về quyền sở hữu một phần công ty một khi nó ăn nên làm ra.


3. Mở rộng các mối quan hệ bằng việc tham gia vào các tổ chức kinh doanh.

Các tổ chức kinh doanh và thương mại là những nguồn cung cấp những mối quan hệ tiềm tàng cho bạn trong tương lai (từ những nhà đầu tư, khách hàng, bạn hàng hay những người có kinh nghiệm). Hơn nữa việc này còn giúp bạn nắm được những thông tin cập nhật nhất về lĩnh vực bạn đang hoạt động.


4. Hợp tác và liên minh với một công ty khác.

Điều này sẽ đem lại cho bạn một vị thế mới đầy thách thức trên thương trường. Việc hợp tác này sẽ làm cho cả hai bên có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc thúc đẩy và quảng bá sản phẩm của mình. Nếu công việc kinh doanh của bạn liên quan đến Internet thì hai bên có thể đưa đường dẫn (link) tới Website của bên kia trên Website của mình. Hay bạn có thể cho công ty đối tác được quảng cáo miễn phí trên trang của mình để đổi lại họ cũng sẽ dành cho bạn những điều tương tự

5. Tìm kiếm những đại lý có tiềm năng.

 Bạn có thể ký kết hợp đồng với một đại lý độc quyền có tiềm năng trong đó có điều khoản sẽ giảm mức phí đóng góp nếu đại lý này mang lại lợi nhuận cho bạn. Bằng cách này, bạn có thể dùng một đại lý này để thu hút những đại lý mới.


6. Tìm những cách thức ít tốn kém để quảng bá công ty bạn một cách thường xuyên.

 Chẳng hạn như bảo các thành viên trong gia đình in logo của công ty lên ô tô của họ. Phát hành những tờ rơi, tờ quảng cáo cũng là một cách hữu hiệu để quáng cáo với chi phí thấp hơn rất nhiều so với việc quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. Các-vi-dít cũng là một phương tiện quảng cáo cần được tận dụng


7. Lợi dụng tất cả những gì được “miễn phí”.

 Hãy tận dụng mọi tài nguyên được miễn phí trên Internet để quảng bá công việc kinh doanh của mình. Đăng ký vào các trang có hỗ trợ đăng banner quảng cáo. Thử xem khả năng có thể trao đổi quảng cáo lẫn nhau với các nhà xuất bản tạp chí điện tử trên mạng



8. Tận dụng tối đa sự “nổi tiếng” của bạn.

 Nếu bạn đã thành công trong việc tạo dựng danh tiếng cho mình, bạn nên tận dụng danh tiếng này, sử dụng chúng tổ chức ra các khoá học thu phí những ai có nhu cầu muốn học hỏi kỹ năng kinh doanh riêng có của bạn. Bạn cũng có thể mở rộng công việc kinh doanh của mình thông qua việc chấp nhận tham gia các buổi nói chuyện hoặc tư vấn. Bạn càng nổi tiếng trong lĩnh vực hoạt động của mình, bạn càng có cơ hội lớn để “đầu tư” cho sự nổi tiếng đó.


9. Phát triển những chương trình hay hệ thống để quáng cáo và bán sản phẩm.

 Nếu bạn đã có được một vài bài viết được đánh giá cao, hãy thử viết một cuốn sách. Xuất bản sách sẽ không còn tốn kém nữa với sự xuất hiện của sách điện tử (e-book). Thay vì phải tìm kiếm nhà xuất bản, bạn có thể tự trình bày và tiếp thị cuốn sách của mình dưới dạng sách điện tử. Một cách khác là phát triển những chương trình phần mềm dùng để chế bản hàng loạt hoặc biên soạn những bài viết đó ghi vào đĩa CD


10. Tài trợ cho các triển lãm thương mại diễn ra trong cộng đồng bạn đang hoạt động.

 Mục tiêu chính của các triển lãm thương mại (trade show) là tạo ra một nơi gặp gỡ giữa các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh, các thương nhân để tìm hiểu về các sản phẩm và dịch vụ thuộc một lĩnh vực nhất định. Tham gia vào các triển lãm thương mại cho phép bạn giới thiệu và quảng bá về sản phẩm của mình cho những người khác và điều này có thể củng cố hình ảnh của bạn như là người dẫn đầu thị trường hay một người tiên phong trong một lĩnh vực mới. Ở một mức độ thấp hơn, bạn có thể tham gia vào các hoạt động sinh hoạt cộng đồng hay hỗ trợ cho các dự án tạo vốn cho người nghèo. Tất cả những hoạt động trên sẽ làm nâng cao uy tín cho bạn và tạo chỗ đứng trong cộng đồng và lĩnh vực bạn đang hoạt động.

6 tác phong lãnh đạo mẫu


Nghiên cứu của Công ty tư vấn Hay/McBer (Mỹ) trên 3.871 doanh nhân khắp thế giới đã định lượng được 6 tác phong lãnh đạo mẫu của lãnh đạo doanh nghiệp. Đó là:




1. Lãnh đạo theo lối “Trấn áp”



- Đòi hỏi cấp dưới tuân thủ không nghĩ suy, ngay tức khắc mệnh lệnh.

- “Làm như tôi đã cho chỉ thị”.

- Ham muốn thực hiện, tự tin, tự chủ.

- Rất hữu hiệu trong tình thế khủng hoảng.



2. Lãnh đạo theo lối “Quyết đoán”



- Huy động được cấp dưới xoay quanh một định hướng chiến lược.

- “Hãy theo tôi”.

- Tự tin, hiểu cấp dưới, tác nhân trực tiếp của thay đổi lớn.

- Rất hữu hiệu cho đổi mới, cần một một mục tiêu lớn và rõ ràng.



3. Lãnh đạo theo lối “Tình cảm hài hòa”



- Tạo ra sự hài hòa cho cấp dưới.

- “Lo cho nhân viên trước đã”.

- Khả năng thông cảm lớn, tạo nên một không khí cởi mở.

- Rất hữu hiệu trong việc tạo một tinh thần gắn bó, động viên trong những lúc khó khăn.



4. Lãnh đạo theo lối “Dân chủ - Đồng lòng”



- Nhắm đến sự đồng lòng thông qua sự tham gia tích cực của cấp dưới.

- “Mọi người nghĩ thế nào?”

- Hợp lực, hợp tác với cấp dưới, dựa vào sự trao đổi.

- Rất hữu hiệu để cấp dưới mạnh dạn hợp tác tích cực.



5. Lãnh đạo theo lối “Kích động”



- Ấn định những tiêu chí thành công cao.

- “Hãy làm như tôi”.

- Ý thức, ham muốn thực hiện, đầy sáng kiến.

- Rất hữu hiệu để đạt được những thành quả nhanh, với một tinh thần cao của cấp dưới.



6. Lãnh đạo theo lối “Huấn luyện viên”



- Phát triển nhân tài cho tương lai.

- “Cứ thử làm đi”.

- Phát triển năng lực cấp dưới, cảm thông và ý thức rõ về vai trò lãnh đạo của mình.

- Rất hữu hiệu để sửa soạn tương lai, đội ngũ lãnh đạo kế thừa.



Thật ra, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường có kỹ năng và phong cách áp dụng nhiều lối lãnh đạo nêu trên tùy theo từng thời điểm, môi trường và văn hóa...



Và phải chăng, một lãnh đạo doanh nghiệp xuất chúng vừa tạo ra sự đột phá, vừa tạo ra sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, là người sử dụng đầy nghệ thuật 6 tác phong lãnh đạo trên?

TỰ LUYỆN PHƯƠNG PHÁP ĐỌC NHANH

Hiện nay thế giới đang ở trong thời kỳ bùng nổ về thông tin, sách báo, tạp chí xuất bản ngày càng nhiều, cung cấp một khối lượng thông tin khổng lồ mà nếu không có cách xử lý thông tin thích hợp thì không thể nào nắm bắt kịp. Nhiều nhà chuyên môn về tin học, các giáo sư, tiến sĩ ở khắp nơi đã đưa ra nhiều phương pháp xử lý thông tin khác nhau nhằm giúp giải quyết vấn đề này. Trong nước và ở thành phố ta, cùng với sự phát triển của kinh tế, của khoa học kỹ thuật và tin học, sách báo được xuất bản hàng loạt, cộng với một khối lượng lớn sách báo, tạp chí nhập từ nước ngoài, khiến chúng ta không thể nào theo dõi kịp. Trước tình hình đó, nhằm giúp bạn đọc có được một phương pháp đọc giải quyết được mối mâu thuẫn giữa yêu cầu nắm bắt thông tin càng nhiều càng tốt và thời gian, khả năng đọc bị hạn chế, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu cùng bạn đọc cuốn Khoa học cho mọi người: “Tự luyện Phương pháp đọc nhanh” do Trần Ngọc Vĩnh biên soạn theo Tiến sĩ Giáo dục Norman C. Maberley, nguyên Giám đốc Viện nghiên cứu và dạy đọc nhanh, ở New York (Mỹ).


Cuốn sách giới thiệu quá trình phát triển, lợi ích của phương pháp đọc nhanh, cách học và những bài học từng bước, đi từ dễ đến khó, đồng thời phân biệt cách đọc theo các mục đích đọc giải trí hay đọc đế học tập, để nghiên cứu, nhằm giúp bạn đọc có điều kiện lựa chọn phương pháp thích hợp với mình. Đây là một phương pháp tập đọc nhanh không cần dùng đến những thủ thuật hay máy móc nào mà chỉ đơn giản dựa vào sự phát triển những kỹ năng tự nhiên của bất cứ bạn đọc nào bằng những bài tập luyện tuần tự.

Mong rằng cuốn sách sẽ giúp ích bạn đọc, với tính cách là một tài liệu tham khảo, trong việc rèn luyện cho mình có được một phương pháp đọc đáp ứng yêu cầu của bạn.



Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2010

TÂM LÝ QUẢN LÝ

Tâm lý học ngày nay không chỉ là khoa học về con người, mà trở thành một trong những cơ sở khoa học quan trọng của toàn bộ quá của toàn bộ quá trình quản lý- quản lý kinh tế- quản lý xã hội cũng như quản lý doanh nghiệp.


Bởi vậy, việc nghiên cứu những cơ sở tâm lý học của công tác quản lý là một yêu cầu khách quan và bức thiết đối với những ai quan tâm đến việc cải tiến quản lý, nâng cao hiệu quả quá trình quản lý, làm tốt việc tuyển chọn, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ quản lý.

Nhà Lãnh Đạo Trong Bạn

Bạn muốn lãnh đạo?


Hãy đọc những gì các nhà lãnh đạo kinh doanh chia sẻ trong Nhà Lãnh Đạo Trong Bạn



“ cuốn sách này không có gì phức tạp, bí ẩn hay khó hiểu cả. nhưng nó có thể giúp bạn trở thành nhà lãnh đạo trong một thế giới phức tạp, khó hiêu và đôi khi thật bí ẩn. biết cách lãnh đạo chính là chìa khóa cho sự thành công.”

Burt Manning, Chủ tịch và Ceo, J. walter Tompson.


Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2010

KỸ NĂNG TRÌNH BÀY

Trình bày một chủ đề có hiệu quả, lôi cuốn được sự chú ý và đồng tình của người nghe, và có thể tóm tắt các khái niệm phức tạp bằng những từ ngữ đơn giản là kỹ năng cơ bản của mỗi một trưởng nhóm.


Trong tài liệu này, bạn sẽ học cách tạo sự đồng tình từ phía người nghe, trình bày một chủ đề có thể lôi cuốn khán giả và làm cho họ chấp nhận các ý tưởng của bạn.

KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO THEO TÌNH HUỐNG

I/ KHÁI QUÁT VỀ PHONG CÁCH LĐ


1. Lãnh đạo là gì?

• Xác định chiến lược.

• Giao công việc cho NV/uỷ quyền.

• Động viên.

• Huấn luyện nhân viên.

• Phương pháp truyền đạt thông tin.

2. Phong cách lãnh đạo

• Phong cách lãnh đạo của một cá nhân là dạng hành vi của người đó thể hiện các nỗ lực ảnh hưởng tới hoạt động của những người khác.

• Phong cách lãnh đạo là cách thức làm việc của nhà lãnh đạo.

• Phong cách lãnh đạo là hệ thống các đấu hiệu đặc trưng của hoạt và động quản lý của nhà lãnh đạo, được quy định bởi các đặc điểm nhân cách của họ.

• Phong cách lãnh đạo là kết quả của mối quan hệ giữa cá nhân và sự kiện, và được biểu hiện bằng công thức: Phong cách lãnh đạo = Cá tính x Môi trường

3. Phân loại

• Phong cách độc đoán

• Phong cách dân chủ

• Phong cách tự do.

3.1 Phong cách lãnh đạo độc đoán

• Kiểu quản lý mệnh lệnh độc đoán được đặc trưng bằng việc tập trung mọi quyền lực vào tay một mình người quản lý, người lãnh đạo - quản lý bằng ý chí của mình, trấn áp ý chí và sáng kiến của mọi thành viên trong tập thể.

• Phong cách lãnh đạo này xuất hiện khi các nhà lãnh đạo nói với các nhân viên chính xác những gì họ muốn các nhân viên làm và làm ra sao mà không kèm theo bất kỳ lời khuyên hay hướng dẫn nào cả

ĐẶC ĐIỂM:

• Nhân viên ít thích lãnh đạo.

• Hiệu quả làm việc cao khi có mặt lãnh đạo, thấp khi không có mặt lãnh đạo.

• Không khí trong tổ chức: gây hấn, phụ thuộc vào định hướng cá nhân

3.2 Phong cách lãnh đạo dân chủ:

• Kiểu quản lý dân chủ được đặc trưng bằng việc người quản lý biết phân chia quyền lực quản lý của mình, tranh thủ ý kiến cấp dưới, đưa họ tham gia vào việc khởi thảo các quyết định.

• Kiểu quản lý này còn tạo ra những điều kiện thuận lợi để cho những người cấp dưới được phát huy sáng kiến, tham gia vào việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch, đồng thời tạo ra bầu không khí tâm lý tích cực trong quá trình quản lý.

ĐẶC ĐIỂM

• Nhân viên thích lãnh đạo hơn

• Không khí thân thiện, định hướng nhóm, định hướng nhiệm vụ

• Năng suất cao, kể cả không có mặt của lãnh đạo.

3.3 Phong cách lãnh đạo tự do

• Với phong cách lãnh đạo này, nhà lãnh đạo sẽ cho phép các nhân viên được quyền ra quyết định, nhưng nhà lãnh đạo vẫn chịu trách nhiệm đối với những quyết định được đưa ra.

• Phong cách lãnh đạo uỷ thác được sử dụng khi các nhân viên có khả năng phân tích tình huống và xác định những gì cần làm và làm như thế nào. Bạn không thể ôm đồm tất cả mọi công việc! Bạn phải đặt ra các thứ tự ưu tiên trong công việc và uỷ thác một số nhiệm vụ nào đó.

ĐẶC ĐIỂM

• NV ít thích lãnh đạo.

• Không khí trong tổ chức thân thiện, định hướng nhóm, định hướng vui chơi.

• Năng suất thấp, người lãnh đạo vắng mặt thường xuyên.

4.Miền lựa chọn liên tục hành vi lãnh đạo

II/ LÃNH ĐẠO THEO TÌNH HUỐNG

1. Thế nào là lãnh đạo theo tình huống?

• Bạn là một nhà quản lý? Bạn đang lựa chọn cho mình một phong cách quản lý hoàn hảo để áp dụng với tất cả các nhân viên của mình?

• Đừng phí công, không có phong cách nào tốt nhất. Thực tế, việc quản lý hiệu quả đòi hỏi nhiều phong cách quản lý khác nhau.



Lãnh đạo theo tình huống bao gồm việc sử dụng bốn phong cách quản lý khác nhau:

• Quản lý kiểu hướng dẫn

• Quản lý kiểu tư vấn hay kiểu “ông bầu

• Quản lý kiểu hỗ trợ

• Phong cách phân cấp hay uỷ quyền

2. Quản lý kiểu hướng dẫn

• Nhà quản lý sẽ hướng dẫn nhân viên làm thế nào để hoàn thành công việc, kiểm tra chặt chẽ hoạt động của nhân viên và tự mình đưa ra hầu hết quyết định.

• Đây là phong cách thích hợp nhất để quản lý nhân viên mới vào nghề hoặc đối với những người thực hiện công việc không tốt.

• Tuy nhiên, nếu nhà quản lý chỉ sử dụng một phong cách này thì sẽ trở thành tiểu tiết, độc đoán.

3. Quản lý kiểu tư vấn hay kiểu “ông bầu”

• Nhà quản lý liên tục đưa ra các định hướng và buộc nhân viên cùng tham gia giải quyết vấn đề và tham gia vào quá trình ra quyết định.

• Để thực hiện được điều này, cần lôi kéo ý kiến của nhân viên, trả lời các câu hỏi được nêu ra và thể hiện sự hứng thú bàn bạc công việc với từng cá nhân.

• Phong cách này thích hợp khi nhân viên không còn là người mới đối với công việc nhưng cũng chưa đủ khả năng hoặc sự tự tin về khả năng thực hiện công việc của mình.

4. Quản lý kiểu hỗ trợ

• Nhà quản lý sử dụng phong cách này khi nhân viên của anh ta đã có khả năng thực hiện một công việc được giao nhưng còn thiếu tự tin.



• Theo phong cách này, nhà quản lý là nơi để nhân viên nêu ra những lo ngại và để bàn bạc về những khó khăn.

• Tuy nhiên, thay vì giải quyết hộ, nhà quản lý chỉ hỗ trợ họ. Làm như vậy sẽ tăng cường tính độc lập và sự tự tin của nhân viên.

5. Phong cách phân cấp hay uỷ quyền

• Sử dụng đối với nhân viên có cả kỹ năng và sự tự tin trong việc xử lý công việc.

• Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng phong cách này trước khi nhân viên của bạn sẵn sàng cho công việc thì họ có thể sẽ cảm thấy rằng, bạn đã bỏ rơi họ.

6. Các yêu cầu với lão đạo tình huống:

• Liên tục thay đổi phong cách quản lý để phù hợp với sự phát triển về kỹ năng, kinh nghiệm và sự tự tin của nhân viên. Nếu không sẽ khiến nhân viên không thể phát triển được.

• Sẵn sàng sử dụng các phong cách khác nhau với cùng một người bởi trong khi anh ta có thể tự tin và có khả năng thực hiện một việc này thì một việc mới giao cho anh ta sẽ lại đòi hỏi một phong cách quản lý khác.

• Luôn luôn thực hiện quản lý với mục tiêu là làm cho nhân viên của mình phát triển kỹ năng và tăng tính độc lập hơn.

• Lãnh đạo theo tình huống đã trở thành một cách tiếp cận phổ biến trong quản lý con người bởi nó tính đến sự khác biệt giữa các nhân viên. Học cách tiếp cận này, công việc của bạn sẽ trôi chảy hơn vì nhân viên của bạn sẽ học được cách tự quản lý mình.

7. Các yếu tố ảnh hưởng tới PCLĐ

• Thời gian là bao nhiêu?

• Các mối quan hệ được dựa trên sự tôn trọng và tin tưởng hay dựa trên sự thiếu tôn trọng?

• Ai là người nắm giữ thông tin - bạn, các nhân viên, hay cả hai?

• Các nhân viên được huấn luyện ra sao và bạn hiểu rõ các nhiệm vụ như thế nào?

• Các mâu thuẫn nội bộ

• Mức độ sức ép

• Kiểu nhiệm vụ. Đó là kiểu cấu trúc, phi cấu trúc, phức tạp, hay đơn giản?

• Luật lệ hay các quy trình thủ tục được thiết lập

• 8. Các tình huống cụ thể

8.1 Theo thâm niên công tác

• Sử dụng phong cách lãnh đạo độc đoán đối với các nhân viên mới, những người còn đang trong giai đoạn học việc.

• Nhà lãnh đạo sẽ là một huấn luyện viên tốt với đầy đủ năng lực và trình độ.

• Nhờ đó, nhân viên sẽ được động viên để học hỏi những kỹ năng mới. Đây sẽ là một môi trường hoàn toàn mới dành cho các nhân viên.

8.2 Theo các giai đoạn phát triển của tập thể

• Giai đoạn bắt đầu hình thành. Là giai đoạn tập thể chưa ổn định, mọi thành viên thường chỉ thực hiện công việc được giao theo nhiệm vụ, nhà lãnh đạo nên sử dụng phong cách độc đoán.

• Giai đoạn tương đối ổn định.Khi các thành viên chưa có sự thống nhất, tự giác trong hoạt động, tính tích cực, sự đoàn kết chưa cao, nên dùng kiểu lãnh đạo mềm dẻo, linh hoạt.

• Giai đoạn tập thể phát triển cao: Tập thể có bầu không khí tốt đẹp, có tinh thần đoàn kết, có khả năng tự quản, tự giác cao, nên dùng kiểu dâu chủ hoặc tự do.

8.3 Dựa vào tính khí của NV

• Đối với tính khí sôi nổi – nóng nảy.

• Đối với tính khí trầm tư – nhút nhát.

8.4 Dựa vào giới tính

Phụ nữ thường hay làm việc tốt hơn dưới sự chỉ huy độc đoán.

8.5 Theo trình độ của NV:

• Sử dụng phong cách lãnh đạo uỷ thác đối với các nhân viên hiểu rõ về công việc hơn chính bản thân nhà lãnh đạo.

• Nhà lãnh đạo không thể ôm đồm tất cả mọi thứ! Các nhân viên cần làm chủ công việc của họ.

• Cũng như vậy, trường hợp này sẽ giúp nhà lãnh đạo có điều kiện để làm những công việc khác cần thiết hơn.

• Sử dụng phong cách lãnh đạo uỷ thác đối với các nhân viên hiểu rõ về công việc hơn chính bản thân nhà lãnh đạo.



Nhà lãnh đạo không thể ôm đồm tất cả mọi thứ! Các nhân viên cần làm chủ công việc của họ.



Cũng như vậy, trường hợp này sẽ giúp nhà lãnh đạo có điều kiện để làm những công việc khác cần thiết hơn.

• Nên dùng kiểu lãnh đạo tự do đối với người hơn tuổi.

• Trái lại đối với người nhỏ tuổi thì dùng kiểu độc đoán.

8.7 Cần độc đoán với:

• Những người ưa chống đối

• Không có tính tự chủ.

• Thiếu nghị lực

• Kém tính sáng tạo

8.8 Cần dân chủ với

• Những người có tính thần hợp tác.

• Có lối sống tập thể.

8.9 Nên tự do với

• Những người không thích giao thiệp.

• Hay có đầu óc cá nhân chủ nghĩa

8.10 Với tình huống bất trắc:

• Với một số tình huống đòi hỏi ta phải hành động khẩn trương và kịp thời, chẳng hạn như hoả hoạn.

• Mọi nỗ lực phải dốc hết vào xử lý tình huống.

• Doanh nghiệp cần một sự lãnh đạo cứng rắn và uy quyền.

8.11 Bất đồng trong tập thể:

• Khi có sự bất đồng trong tập thể, trước sự thù địch, chia rẽ nội bộ, nhà quản trị cần phải áp dụng kiểu lãnh đạo độc đoán, sử dụng tối đa quyền lực của mình.

8.12 Những tình huống gây hoang mang

• Thỉnh thoảng do sự xáo trộn trong tập thể như thay đổi, cải tổ…không ai biết nên phải làm gì, mọi người đều hoang mang.

• Nhà quản trị phải tỏ ra gần gũi, gặp gỡ trao đổi, thông báo, tạo mối quan hệ thân mật để trấn an nhân viên.


KỸ NĂNG GIAO TIẾP

I/ MỤC TIÊU CỦA GIAO TIẾP


• Giúp người nghe hiểu những dự định của chúng ta;

• Có được sự phản hồi từ người nghe;

• Duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người nghe .

• Truyển tải được những thông điệp. Quá trình này có khả năng bị mắc lỗi do thông điệp thường được hiểu hoặc dịch sai đi bởi 1 hay nhiều hơn những thành phần khác tham gia vào quá trình này.

• Khi không thành công, những suy nghĩ, ý tưởng của bạn sẽ không phản ánh được những cái đó của chính bạn, gây nên sự sụp đổ trong giao tiếp và những dào cản trên con đường đạt tới mục tiêu của bạn - cả trong đời tư và trong sự nghiệp.

II/ CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH:

1. Sender: Người gửi thông điệp

2. Message: Thông điệp

3. Channel: Kênh truyền thông điệp

4. Receiver: Người nhận thông điệp

5. Feedback: Những phản hồi

6. Context: Bối cảnh

1. Người gửi...

Để trở thành một người giao tiếp tốt, trước tiên bạn phải tạo được cho mình sự tin tưởng. Trong lĩnh vực kinh doanh, điều này bao gồm việc thể hiện những hiểu biết của bạn về chủ đề, người tiếp nhận và bối cảnh truyền đạt thông điệp.

Bạn cũng phải biết được người tiếp nhận của mình (những cá nhân hay nhóm người mà bạn muốn truyền đạt thông điệp của mình tới). Việc không hiểu người mà mình sẽ truyền đạt thông điệp tới sẽ dẫn đến việc thông điệp của bạn có thể bị hiểu sai.

2. Thông điệp...

Các hình thức giao tiếp qua viết, nói hay các hình thức khác đều bị chi phối bởi giọng điệu của người truyền đạt thông điệp, tính căn cứ của lý luận, những gì được giao tiếp và những gì không nên được đưa vào, cũng như phong cách giao tiếp riêng của bạn.

Thông điệp luôn luôn có cả yếu tố trí tuệ và tình cảm trong đó, yếu tố trí tuệ để chúng ta có thể xem xét tính hợp lý của nó và yếu tố tình cảm để chúng ta có thể có những cuốn hút tình cảm, qua đó thay đổi được suy nghĩ và hành động.

3. Kênh truyền đạt thông điệp...

• Các thông điệp được truyền đạt qua nhiều kênh, nói thì bằng cách gặp mặt đối mặt, gọi điện thoại, gặp qua video; viết thì bằng thư từ, email, bản ghi nhớ hay báo cáo.

CÓ HAI KÊNH CHÍNH

• Kênh giao tiếp chính thức (formal communication networks)

• Kênh giao tiếp không chính thức (informal comm. networks)

2.1 Kênh giao tiếp chính thức

• Từ cấp trên xuống cấp dưới (downward): hướng dẫn công việc, quan hệ công việc, quy trình, phản hồi, …

• Từ cấp dưới lên cấp trên (upward): báo cáo, đề nghị, …

• Giữa các đồng nghiệp (horizontal): hợp tác, giải quyết công việc, chia sẻ thông tin, thực hiện báo cáo, …

2.2 Kênh giao tiếp không chính thức

Các chức năng của kênh giao tiếp không chính thức:

• Xác nhận thông tin;

• Mở rộng thông tin;

• Lan truyền thông tin;

• Phủ nhận thông tin;

• Bổ sung thông tin.

4. Người nhận thông điệp...

Những thông điệp sau đó được truyền đạt đến người nhận. Không nghi ngờ gì là bạn sẽ trông chờ ở họ những phản hồi.

Hãy luôn nhớ là bản thân người nhận thông điệp cũng tham gia vào quá trình này với những ý tưởng và tình cảm có thể làm ảnh hưởng đến cách họ hiểu thông điệp của bạn cũng như cách họ phản hồi lại thông điệp đó.



Để thành công, bạn cũng nên nghiên cứu trước những yếu tố này để hành động một cách hợp lý.

5. Những phản hồi...

Người tiếp nhận sẽ có những phản hồi, bằng lời hay các hình thức khác đối với thông điệp của bạn.

Hãy chú ý sát sao đến những phản hồi này bởi nó thể hiện rõ ràng nhất việc người tiếp nhận thông điệp có hiểu chính xác thông điệp của bạn hay không.

6. Bối cảnh...

• Tình huống mà thông điệp của bạn được truyền đi chính là bối cảnh.

• Nó có thể bao gồm yếu tố môi trường xung quanh hay rộng hơn là nền văn hóa (ví dụ như văn hóa nơi làm việc, văn hóa quốc tế, vv.).

III/ GIAO TIẾP PHI NGÔN NGỮ

• Giao tiếp phi ngôn ngữ chiếm từ 55-65%

• Giao tiếp ngôn ngữ chỉ chiếm khoảng 7%

• Sự kết hợp giữa giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ chiếm khoảng 38%

1. Đặc điểm của giao tiếp phi ngôn ngữ

 Giao tiếp phi ngôn ngữ luôn có giá trị giao tiếp cao

 Hành vi phi ngôn ngữ mang tính mơ hồ

 Giao tiếp phi ngôn ngữ chủ yếu biểu lộ thái độ

 Phần lớn hành vi phi ngôn ngữ phụ thuộc vào văn hóa

2. Các hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ

• Giọng nói

• Diện mạo

• Nụ cười

• Nét mặt và ánh mắt

• Điệu bộ và cử chỉ

• Khoảng cách và không gian

• Thời gian

• Cơ sở vật chất

Giọng nói:

• Độ cao thấp

• Nhấn giọng

• Âm lượng

• Phát âm

• Từ đệm

• Nhịp điệu (trôi chảy-nhát gừng)

• Cường độ (to-nhỏ)

• Tốc độ (nhanh-chậm)

• VD:

• Tôi sẽ tăng lương cho anh

• Tôi sẽ tăng lương cho anh

• Tôi sẽ tăng lương cho anh

3 Phối hợp giao tiếp ngôn ngữ - phi...

• Giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ ít khi tách rời nhau, mà thường bổ sung cho nhau.

• Giao tiếp ngôn ngữ và giao tiếp phi ngôn ngữ phối hợp với nhau tạo ra hiện quả cao nhất.

• Khi ngôn ngữ và hành vi phi ngôn ngữ trái ngược nhau => điều gì quyết định ý nghĩ của thông điệp?

IV/ CÁC LOẠI HÀNH VI GIAO TIẾP

1. Rụt rè, khiêm tốn (unassertive)

• Thụ động và quanh co

2. Mạnh mẽ, công kích (aggressive)

• Chủ động hay thụ động

• Thẳng thắn hay quanh co

• Thành thật hay không thành thật

3. Quyết đoán (assertive)

• Nói “không” một cách lịch sự nhưng cương quyết thay cho “tôi không thể”

• Thực tế, tôn trọng, và chân thật thay cho cường điệu, nói giảm, hay mỉa mai châm biếm

• Thể hiện sự ưa thích, sự ưu tiên thay cho việc chiều theo hay hòa đồng một cách miễn cưỡng

V/ CÁC YẾU TỐ TRỞ NGẠI GIAO TIẾP

• Các yếu tố phi ngôn ngữ: sự khác biệt về nhận thức, thiếu sự chú ý, thiếu kiến thức nền tảng, cảm xúc, cá tính, diện mạo, thành kiến, không lắng nghe, …

• Các yếu tố ngôn ngữ: cách phát âm, từ ngữ, …

1. Sự khác biệt về văn hoá trong giao tiếp

• Các khác biệt phi ngôn ngữ

• Tên và cách xưng hô

• Phong tục, tục lệ

• Trang phục

• Thời gian

• Thái độ đối với sự mâu thuẫn

• Vai trò của giới tính trong xã hội

2. Vượt qua sự khác biệt

• Tìm hiểu sự khác biệt của các nền văn hóa

• Xem sự khác biệt như một cơ hội

• Không thể hiện mình tốt (hoặc) xấu hơn

• Nói về sự khác biệt

3. Các yếu tố thành công trong khác biệt

• Nhận thức được hành vi giao tiếp của mình bị chi phối bởi văn hóa và không phải luôn luôn đúng

• Linh động và sẵn sàng thay đổi

• Nhạy cảm đối với các hành vi giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ

• Nhận thức được giá trị, niềm tin và thông lệ của các nền văn hóa khác

• Nhạy cảm với sự khác biệt giữa các cá nhân trong một nền văn hóa

4. Các yếu tố khác:

• Loại bỏ các thông điệp của bạn quá dài dòng, không có tổ chức chặt chẽ, hoặc có những thiếu sót thì nó có thể bị hiểu sai hoặc dịch sai.

• Những rào cản trong bối cảnh có thể phát sinh do người tiếp nhận đưa ra quá nhiều thông tin trong thời gian quá ngắn.

VI/ CÁC NGUYÊN TẮC GIAO TIẾP

Không có nguyên tắc giao tiếp nào bất biến, mà phải tuỳ vào từng trường hợp.

Trong phần dưới đây là một số nguyên tắc “đắc nhân tâm thường dùng trong giao tiếp kinh doanh”

1. Lắng nghe

• Lắng nghe ý kiến của người khác, điều này giúp chúng ta cải thiện dịch vụ… của chúng ta trong tương lai.

• Mọi người thường có ấn tượng không tốt với những ai chỉ biết giải quyết các lời phàn nàn mà không thực sự lắng nghe những gì họ nói.

• Khi bạn thực sự lắng nghe khách hàng, một cảm giác thoải mái, dễ chịu sẽ xuất hiện trong lòng mỗi khách hàng- bởi vì sự lắng nghe chân thành là khá hiếm hoi, thậm chí ngay cả khi bạn ở nhà và ở giữa những người thân.

• Lắng nghe tạo cho khách thấy bạn tôn trọng, đánh giá cao họ và quan tâm đến ho.

• Xin nhắc lại tên của ông/bà và đề nghị cho biết vấn đề. Câu nói này cho thấy, bạn không lắng nghe, đồng thời chọc tức thêm người vốn đã có chuyện không hài lòng.

2. Nhớ tên khách hang

 Xưng tên cá nhân là một trong những âm thanh ngọt ngào nhất mà khách hàng muốn được nghe từ bạn.

 Việc xưng hô bằng tên riêng trong cuộc nói chuyện với khách hàng sẽ cho thấy bạn nhìn nhận họ với tư cách một cá nhân nói riêng chứ không phải đối tượng khách hàng chung chung, qua đó thể hiện sự tôn trọng của bạn với khách hàng.

 Hãy dùng tên riêng của họ khi bạn nói lời chào hỏi, cảm ơn, tạm biệt.. để làm cho bầu không khí trở nên nhẹ nhàng, thân thiện hơn.

 Tuy nhiên, bạn đừng sử dụng tên riêng của khách hàng một cách quá thường xuyên bởi vì nó có thể khiến khách hàng khó chịu, hãy sử dụng vào lúc đầu và lúc kết thúc cuộc hội thoại

3. Nụ cười từ trái tim của bạn.

 Duy trì dịch vụ khách hàng với nụ cười trên khuôn mặt dường như là cái gì đó hơi rập khuôn. Tuy nhiên nếu bạn muốn khách hàng yêu thích dịch vụ của bạn, hãy thực hiện nó với một nụ cười chân thật.

 Một nụ cười chân thật sẽ khiến khách hàng cảm thấy họ được chào đón, an tâm hơn và để lại trong lòng khách hàng một cảm giác nồng ấm.

 Nụ cười có tác dụng to lớn như vậy, nhưng cười phải đúng lúc.

4. Hãy cho khách hàng biết, họ là người quan trọng

• Họ biết rằng công ty bạn có rất nhiều khách hàng khác nhau nhưng họ chỉ thực sự yêu quí nó nếu bạn khiến họ cảm thấy mình thực sự quan trọng với bạn

• Hỏi khách hàng về những lời khuyên Khách hàng nào cũng có sẵn những ý kiến cá nhân về cung cách làm việc của bạn và công ty bạn, và nếu họ được hỏi vào thời điểm thích hợp theo những cách thích hợp, đồng thời họ cảm thấy rằng bạn thực sự quan tâm đến câu trả lời, khách hàng sẽ đưa cho bạn lời khuyên đó.

• Không nên tỏ ra sẵn sàng tranh luận, cướp lời, khẳng định hơn thiệt với khách hàng khi xảy ra những điều phàn nàn của khách. Việc cần thiết, và là nhiệm vụ của bạn là phải lắng nghe, cảm ơn và tìm cách khắc phục thiếu sót ngay sau đó nếu có thể.

• Coi trọng ý kiến của khách hàng, đừng bao giờ nói họ lầm lẫn.

• Hãy để cho họ nói thoả thích những cái mà họ muốn nói.

5. Tôn trọng khách hàng
• Chúng ta có thể giúp khách cái gì chứ không phải ông muốn gì.

• Luôn cười nói thật tâm chứ không đón khách bằng thái độ lạnh nhạt.

• Giải đáp đầy đủ thắc mắc, khiếu nại của họ chứ không phải làm lơ.

• Hãy luôn luôn phải giữ thể diện cho khách hàng.

• Không phân biệt đối xử với khách hàng.

6. Quan tâm thực sự đến khách hàng.

• Em/cháu…có thể giúp gì cho anh/chú…? Bạn muốn mang lại niềm vui cho khách hàng, chứ không phải bạn cho khách hàng một cái gì đó

• “Việc này đi ngược lại chính sách của chúng tôi”. Khách hàng không muốn giao dịch với những người quan liêu, cứng nhắc, nên người phục vụ cần nhã nhặn tìm hướng giải quyết linh hoạt trong chừng mực có thể. Hãy nhớ: “đừng để khách hàng thất vọng”.

• Đó không phải là công việc của tôi. Trong trường hợp này, nên nói: “Tôi biết người có thể giúp ông/bà giải quyết vấn đề này. Tôi sẽ giới thiệu ông/bà với người đó”.

• Tôi chỉ làm việc ở đây thôi" Câu nói rập khuôn này tôi thường được nghe ở hầu hết các nhân viên phục vụ bàn sau khi món ăn đem ra không đúng yêu cầu. Bằng vài từ tồi tệ này, một nhân viên đã cho biết nơi đó không có lòng nhiệt tình, hăng hái, quan tâm tới khách và nhân viên không sẵn lòng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

• 81% khách hàng từ bỏ nếu họ cảm thấy rằng đối phương không có thiện chí giúp đỡ hoặc không chú ý đến nhu cầu của khách hàng. Ví dụ: Khách hàng muốn mua một chiếc xe tiêu tốn ít nhiên liệu và có kích cỡ nhỏ để tiện đi trong thành phố vốn đã rất chật chội, nhưng suốt buổi họ toàn được nghe người bán hàng "thao thao bất tuyệt" về những thế mạnh của chiếc xe cồng kềnh.

7. Giúp đỡ khách hàng nhiệt tình.

• Hãy để tôi giúp bạn một tay. Dù chỉ là giúp đỡ khách mang hàng ra xe hay đơn giản là mở cửa giúp người đang mang hàng nặng trên tay thì một thông điệp rõ ràng đó là bạn sẵn sàng giúp đỡ họ và ấn tượng này sẽ hằn sâu vào tâm trí khách hàng. Và tất nhiên, nó sẽ khiến họ quay trở lại với bạn vào lần sau.

• Thông tin cho khách các dịch vụ khác mà khách quan tâm nếu bạn có thể.

8. Kiên định quan điểm

Không nên gió chiều nào che chiều ấy mà cần phải học cách nói lời của chính mình.

Sếp luôn trọng dụng và quý những nhân viên có đầu óc, có suy nghĩ riêng. Nếu như bạn là người mà người khác nói gì thì mình nói ấy thì bạn dễ bị mọi người quên mất sự tồn tại của bạn và địa vị của bạn ở trong cơ quan cũng chẳng cao cả gì. Có đầu óc thì dù chức vụ của bạn ở trong cơ quan như thế nào, bạn cũng cần phải biết nói lên tiếng nói của mình, nên dũng cảm nói lên cách suy nghĩ của riêng mình.

9. Đừng thích tranh biện

Có gì thì bình tĩnh nói, tránh biến cuộc nói chuyện thành cuộc thi hùng biện

Bạn cần sống hòa bình, gần gũi với mọi người trong cơ quan, nói năng phải nhẹ nhàng, nhất là phải có trên dưới rõ ràng, không được nói theo kiểu ra lệnh. Tuy là đôi khi ý kiến của mọi người khác nhau, bạn có ý kiến thì vẫn có thể bảo lưu được, nếu không vi phạm nguyên tắc thì không nhất thiết phải bảo vệ sống còn. Nếu như bạn chỉ thích nói và bắt mọi người nghe thì e rằng đồng nghiệp sẽ dần rời xa bạn

10. Đừng bao giờ khoe khoang

• Đừng có khoe khoang mình ở cơ quan.

• Nếu bạn là người rất giỏi chuyên môn, nếu bạn được sếp trọng dụng thì những điều này có trở thành vốn khoe khoang của bạn hay không? Dù bạn có giỏi giang đến đâu thì bạn cũng cần phải hết sức cẩn thận khi ở cơ quan.

11. Hiểu rõ thông điệp của người nói

• Hãy nhớ rằng những gì người khác nói và những gì chúng ta nghe có thể hoàn toàn khác nhau! mọi sự chắt lọc, giả định, phê phán cũng như tin tưởng mang màu sắc cá nhân của chúng ta có thể sẽ bóp méo những gì chúng ta nghe được.

• Bạn nên gợi lại hoặc tổng hợp lại những gì người khác nói để chắc chắn mình đang hiểu được vấn đề. Hãy nhắc lại những gì bạn cho rằng mình đang nghe được và hỏi ‘Tôi có hiểu đúng bạn không nhỉ?’ Nếu bạn thấy mình bị động chạm bởi những gì người khác vừa nói thì hãy nói như vậy, sau đó hãy hỏi thêm để hiểu rõ vấn đề: ” Có thể tôi không hiểu đúng ý bạn và đã cảm thấy bị xúc phạm bởi điều bạn vừa nói. Tôi cho rằng những gì bạn vừa nói có nghĩa là XXX; có đúng ý bạn là như vậy không?”

12. Khuyên người khác

• Đừng đưa ra lời khuyên trừ phi người ta hỏi bạn. Điều này có thể sẽ rất khó thực hiện, nhất là khi chúng ta thấy rõ rằng ý tưởng của mình sẽ có lợi cho người đó.

• Thay vì nói ”Bạn nên làm thế này”, bạn nên sử dụng một số cách nói khác thể hiện rõ sự tôn trọng của mình, ví dụ như ”một cách khá khả thi là..” hoặc ” có một cách đã giúp tôi trong trường hợp tương tự như thế này là X. Nếu bạn nghĩ nó sẽ giúp ích được cho bạn thì tôi rất vui lòng chia sẻ với bạn điều đó”

13. Hãy cố hiểu người khác

• Bạn hãy tìm ra một điểm tương đồng thay vì chỉ chăm chăm vào sự khác biệt giữa bạn và người khác.

• Điều gì có thể khiến cả hai người cùng thích thú (ví dụ như việc gỡ rối một vấn đề nào đó)? Một cách để bắt đầu khám phá ra điểm tương đồng chính là việc chia sẻ các dự định thầm kín của mình- ví dụ như bạn có thể nói ‘dự định của tôi khi chia sẻ với bạn về điều này chính là để giúp bạn thành công trong dự án này’


Khoa học hóa suy nghĩ và làm việc học tập

“Khoa học là linh hồn sự phồn vinh của các quốc gia, là nguồn sống dồi dào của mọi tiến bộ. Chính những phát minh khoa học và ứng dụng của nó đã dẫn dắt chúng ta đi”
 Paxtơ


Tập sách gồm 4 chương như sau:

Tinh thần khoa học.

Phong cách khoa học trong lao động.

Phong cách khoa học trong học tập.

Vài đức tính cần thiết cho công tác khoa học.

Tác giả hi vọng là các chương 1, 2, 3, sẽ giúp ích cho tất cả các bạn thanh niên đang lao động, học tập ở các ngành nghề khác nhau. Riêng chương 4 nhằm giúp thêm bạn nào muốn đi vào con đường khoa học.



Đi tìm ý nghĩa cuộc sống

Hành trình cuộc sống không chỉ là cuộc phiêu lưu của con người với những tất bật


bên ngoài; song song với nó, có những điều bắt buộc chúng ta phải bước đi bằng cảm

nhận…

Khi lắng đọng được kết tụ, chúng ta không chỉ khám phá được những nơi sâu thẳm

trong tâm hồn mình mà còn tìm ra nguồn sức mạnh của sợi dây gắn kết với thế giới, vạn

vật. Cuộc sống không chỉ là thắng - thua, được - mất, hạnh phúc - đau khổ, sự sống hay cái

chết, mà cuộc sống là bất tận và luôn có những bí mật để con người khám phá.

Liệu chúng ta có đủ niềm tin, đủ nghị lực để mở những cánh cửa ấy không?


Thứ Năm, 20 tháng 5, 2010

ĐÁNH THỨC CON NGƯỜI PHI THƯỜNG TRONG BẠN


"Người chín chắn tin vào vận mệnh, người nông nổi tin vào may rủi".


-BENJAMIN DISRAELI

Chúng ta ai ai cũng có những ước mơ...Ai ai cũng muốn tin vững tận đáy lòng rằng mình có một năng khiếu riêng. Có khả năng thay đổi, có thể gây ảnh hưởng đặc biệt trên người khác và có thể biến đổi thế giới này trở nên tốt hơn. Có những lúc trong cuộc đời, chúng ta ai ai cũng có một viễn ảnh về cuộc sống tươi đẹp hơn mà chúng ta ao ước và đáng được hưởng. Thế nhưng, với nhiều người trong chúng ta, những ước mơ đó bị bao phủ dày đặc bởi những thất vọng và những những cái tầm thường của cuộc sống khiến chúng ta thậm chí không còn ý chí để cố gắng vươn lên. với quá nhiều người, những những ước mơ bị tan vỡ-và cùng với nó, ý muốn làm nên vận mệnh của mình cũng tan vỡ theo. Nhiều người đã mất niềm tin vững chắc, là yếu tố sắc bén của thành công.

Cuộc đời tôi là một cuộc tìm kiếm không ngừng để phục hồi ước mơ và biến nó thành hiện thực, nhắc nhở chúng ta nhớ lại và sử dụng nguồn năng lượng vô biên còn đang ngủ yên trong mỗi người chúng ta.


Chinh phục mục tiêu



“Hành trình vạn dặm khởi đầu từ bước chân đầu tiên”

Khổng Tử

Bạn khát khao thành công ? bạn đã lập ra những mục tiêu lớn lao cho cuộc đời mình? Những mục tiêu này liệu có phải là một diều gì đó quá viễn vông?


Một điều tôi sớm nhận ra là cần lên kế hoạch cho chính cuộc đời mình, dù cho kế hoạch ấy có kém cỏi thế nào chăng nữa thì vẫn tốt hơn là không có kế hoạch nào cả.

“ chinh phục mục tiêu” với 21 ý tưởng và chiến lược quan trọng sẽ giúp bạn hiện thực hóa mọi điều mong ước.

Hàng trăm ngàn người, thạm chí là hàng triệu người, khởi nghiệp với hai bàn tay trắng và đạt được thành công vang dội nhờ những nguyên tắc này. Những gì người khác làm được thì bạn cũng có thể làm được, miễn là bạn thực sự bắt tay thực hiện!

- Brian Tracy

Chìa khóa tư duy tích cực


“Chúng ta sẽ trở thành điều mà chúng ta hay nghĩ đến nhất. Cuộc cách mạng vĩ đại nhất của thời


đại này là khám phá ra rằng, nhờ thay đổi thái độ từ trong chính nội tâm mà con người có thể thay đổi được

cả thế giới bên ngoài.”

- William James

Đời sống là một hành trình dài mà bất cứ ai sinh ra trên trái đất này cũng phải trải qua. Hành trình ấy đi qua những đâu: những mảnh đất trù phú, những thiên đường danh vọng, giàu sang hay những mảnh đất khô cằn, những sa mạc mênh mông? Điều này phụ thuộc vào con đường chúng ta chọn lựa để đặt chân lên.

Con đường ấy sẽ được thái độ của chúng ta dẫn dắt. Hướng tới ánh sáng hay bước vào bóng đêm, chúng ta hoàn toàn có thể thấy trước được để tự quyết cho mình. Cuộc sống là không giới hạn, đích đến cuối cùng của hành trình này lại là điểm khởi đầu cho một hành trình khác. Do đó, dù đang ở bất cứ hoàn cảnh nào, hãy tin rằng, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được cuộc đời mình. Hãy loại trừ ngay những cái nhìn cũ kỹ, hao mòn và tiêu cực về thế giới, thay vào đó, ngắm nhìn thế giới bằng sức sống mãnh liệt đang trào dâng. Trong hành trình ấy, hãy mang niềm hy vọng theo cùng – niềm hy vọng về những gì mà tinh thần tích cực sẽ mang lại cho bạn.

Hãy lấy nguồn cảm hứng từ thái độ tích cực của tinh thần và hình dung rằng kể từ hôm nay:

Bạn sẽ nhận ra rằng bạn được ban tặng một bộ óc sáng tạo tuyệt vời.

Bạn sẽ phát triển khả năng làm chủ cảm xúc để luôn hướng năng lực sáng tạo vào những mục đích của mình.

Bạn sẽ xóa bỏ mọi thái độ tiêu cực ảnh hưởng từ những thất bại trong quá khứ.

Bạn sẽ vượt qua được nỗi sợ hãi và làm chủ chúng. Bạn chỉ còn nghĩ về những điều tốt đẹp, nhờ vậy, bạn mở đường cho năng lực sáng tạo khai sinh. Bạn sẽ không lưu giữ những thất bại và đau thương đã qua, đồng thời cũng sẽ biết cách không để chúng tái diễn trong cuộc sống hiện tại và cả tương lai. Bạn sẽ hướng cảm xúc và ước muốn mãnh liệt nhất của mình vào những mục tiêu cần đạt được trong đời.

Bạn sẽ không bao giờ cố tình sử dụng năng lực của tinh thần tích cực vào mục đích xấu xa, ích kỷ, vì bạn biết rằng, nếu dùng sai, chúng có thể tàn phá chính bạn cùng tất cả những điều bạn nâng niu, gìn giữ.

Đạt được những ích lợi trên chính là mục tiêu của bạn từ hôm nay. Không điều gì có thể cản trở

bạn, và điều duy nhất bạn cần làm là tận tâm thực hiện những gì được chỉ dẫn, để mở đường cho những điều tốt đẹp đang đến.

Cuốn Chìa khóa tư duy tích cực sẽ là công cụ hữu ích, là người bạn đường đáng tin cậy giúp bạn

thực hiện những điều trên. Khi dõi theo và từng bước thực hiện những nguyên tắc trong quyển sách này, bạn sẽ trở thành người tích cực và dần dần đạt được ước mơ của mình cũng như tìm thấy chìa khóa mở cánh cửa thành công.

                                                                     - Michael J.Ritt

Các Phương Pháp Suy Luận và Sáng Tạo


Các bạn thân mến,


Ngày nay, trong các xứ tiên tiến thì các phương pháp để giải quyết mau lẹ và hiệu quả các khó khăn về tư duy được nghiên cứu và giảng dạy khá kỹ trong nhiều "course" ở các truờng. Tuy nhiên, khi "trở về xứ Việt" thì chúng ta hầu như không thể tìm thấy một hướng dẫn nào khả dĩ giúp trang bi cho chúng ta một số phương tiện để có thể "qua cầu" (mà không bị gió bay). Chúng tôi đã cố găng sưu tầm, dịch thuật và trình bày lại với các bạn một số phương pháp quan trọng. Hy vọng các phương pháp này sẽ cung cấp thêm những "ánh sáng cuối đường hầm" có thể giúp các bạn giải quyết được các vấn đề khó khăn gặp phải trong môi trường nghiên cứu cũng như trong học vấn. Trong lúc đọc các bạn không nhất thiết phải "bám" theo một phương cách nào hết mà chỉ cần rút tỉa ra xem phương pháp nào có duyên với bạn để có thể xử dụng thích hợp nhằm giải quyết vấn đề các bài toán của mình và do đó, bạn cũng không nhất thiết phải nghiền ngẫm hết tất cả các phương pháp được trình làng ở đây. (Trừ khi bạn thấy có hứng thú muốn tìm hiểu cặn kẽ). Tuy nhiên, các phương pháp này cũng có thể sử dụng kết hợp với nhau để giúp ta tìm đến những lời giải đẹp.

                                                                         Trích lời tựa sách


Tải tại đây

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

Chế độ dinh dưỡng cho người tập

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ DINH DƯỠNG CHO VẬN ĐỘNG VIÊN


A. Những yêu cầu cơ bản cần thiết của chế độ ăn uống hàng ngày

B. Khái niệm về sự cân bằng năng lượng

II. NHU CẦU NĂNG LƯỢNG CỦA VẬN ĐỘNG VIÊN

A. Tinh bột

B. Chất béo

C. Chất đạm

D. Vitamin

E. Chất khoáng

F. Nước

III. CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO VẬN ĐỘNG VIÊN

A. Ăn và uống trong quá trình tập luyện

B. Ăn và uống trong thi đấu

C. Ăn và uống sau thi đấu- trong giai đoạn hồi phục

D. Một số hướng dẫn về dinh dưỡng cho vận động viên

E. Một số lời khuyên khi vận động viên đi thi đấu

Phụ lục

1. Bảng đơn vị thức ăn

2. Những yếu tố xác định nhu cầu năng lượng và tiêu hao năng lượng

3. Bản tiêu hao năng lượng ở vận động viên các môn thể thao khác nhau

4. Bản phân loại hoạt động theo mức độ tiêu hao năng lượng

5. Bản mức độ tiêu hao năng lượng tùy theo môn thể thao

6. Bản mối quan hệ giữa thở, nhịp tim và tiêu hao năng lượng ở các dạng hoạt động.


Nguồn từ sách “Chế độ dinh dưỡng cho người tập” Bs. Trương An Mỹ, Nhà xuất bản Thể Dục Thể Thao (năm 1994).