Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2010

Cách phòng ngừa chấn thương thể thao


Tập luyện thể dục thể thao mang lại lợi ích to lớn trong việc nâng cao , tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật cho người tập . Tuy nhiên, cùng với nhưng dấu hiệu đáng mừng đó, tập luyện thể dục thể thao kể cả thể thao quần chúng lẫn thể thao thành tích cao cũng đặt ra những vấn đề bức xúc: nhiều trường hợp chấn thương và tai nạn đáng tiếc xảy ra kể cả tai nạn chết người trong quá trình tập luyện và thi đấu thể thao.
Những vấn đề chủ yếu về chấn thương thể thao, cách phòng ngừa và sơ cứu giờ đây đã đã được nhiều người quan tâm hơn. Để nắm được rõ hơn về những vấn đề này, chúng tôi xin được chỉ dẫn thêm về các chấn thương dễ gặp phải trong luyện tập và thi đấu thể thao cũng như cách sơ cứu và phòng chống.

Tập luyện trong các điều kiện thời tiết khác nhau: Điều kiện khí hậu khắc nghiệt thường có những ảnh hưởng nhất định đối với hiệu quả tập luyện thể thao. Để tránh những ảnh hưởng xấu (gây cảm giác khó chịu, nguy cơ gây chấn thương...) cần phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt. Tập luyện trong điều kiện khí hậu nóng ẩm dễ làm căng thẳng bộ máy điều nhiệt của cơ thể, gây mệt mỏi và nếu vẫn tiếp tục duy trì luyện tập có thể xuất hiện tình trạng kiệt sức do nhiệt (hay gặp trong môn marathon).

Khi mới bắt đầu luyện tập trong điều kiện nóng ẩm cần phải giảm cường độ vận động đi một nửa, những tuần tập luyện sau có thể tăng dần cường độ cho đến mức bình thường. Khi cơ thể đã dần thích nghi với khí hậu nóng ẩm, bài tiết mồ hôi sẽ diễn ra nhanh hơn và mạnh mẽ hơn, giảm mất muối. Tăng tiết mồ hôi làm quá trình điều nhiệt hiệu quả và bớt căng thẳng.

Công tác bảo đảm an toàn trong tập luyện: Nếu tập chạy (chạy, đi bộ sức khỏe) trên vùng cao, trước tiên phải có thời gian một vài tuần để cơ thể thích nghi với điều kiện phân áp ôxy thấp trong không khí. Nâng dần tốc độ và thời gian chạy để cơ thể thích nghi với vận động trong điều kiện thiếu ôxy.
Quần áo tập luyện: Quần áo tập luyện phù hợp góp phần làm cho buổi tập an toàn và mang lại sự thỏa mãn. Trong lúc tập luyện , quần áo nên sử dụng các loại được làm từ chất liệu bông, cotton để cơ thể không bị tích nhiệt.

Giày tập: Đa số các chấn thương xuất hiện trong tập chạy hoặc đi bộ sức khỏe đều có thể ngăn ngừa được. Nguyên nhân chính thường gây ra chấn thương là vấn đề về giày chạy và các sai lầm trong phương pháp tập luyện. Tập chạy và đi bộ sức khỏe bằng những đôi giày không đúng cỡ chân hoặc có chất lượng kém có thể dẫn đến chấn thương bàn chân, mắt cá chân, đầu gối hoặc lưng. Giày đặc biệt quan trọng đối với người tập luyện thể dục thể thao. Giày chọn đúng sẽ làm cho người tập luyện thể thao cảm thấy dễ chịu, thoải mái và không ra gây chấn thương. Trong khi tập chạy với đôi giày xấu (không đúng loại, không đúng kích cỡ hoặc kém chất lượng) thường gây nên cảm giác khó chịu và có thể sẽ gây nên chấn thương ở vùng bàn chân và khớp gối.

Sơ cứu khi bị chấn thương: Về tác dụng của tập luyện thể dục thể thao chúng ta đều biết nó sẽ giúp cho người tập luyện có được tinh thần sảng khoái, phát huy được tiềm năng thể lực, cải thiện được sức khỏe cũng như nâng cao chất lượng sống của con người. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tập luyện TDTT vì sức khỏe có thể là nguyên nhân của một số biến chứng, đặc biệt là các chấn thương hệ vận động. Trong khi các bài tập rèn sức bền như đi bộ và chạy sức khỏe, các chấn thương thường gặp ở vùng khớp gối và cổ chân dưới dạng dãn, rách dây chằng cơ, bong gân và bầm dập.

Nguyên nhân chính xuất hiện các chấn thương trong tập luyện là các sai lầm trong phương pháp tập luyện. Khi bị chấn thương trong tập luyện hay thi đấu, phụ thuộc vào mức độ tổn thương, trong giai đoạn từ 24-72 giờ vùng tổn thương cần phải yên tĩnh hoàn toàn, nếu không thấy có dấu hiệu suy giảm thì cần phải đến bác sĩ để có được lời chỉ dẫn cần thiết.

Chườm lạnh: Áp dụng chường lạnh trên vùng bị chấn thương được sử dụng như một phương pháp độc lập nằm trong quá trình điều trị chấn thương thể thao. Phương pháp này tuy đơn giản nhưng hiệu quả đem đến lại vô cùng to lớn. Chườm lạnh có tác dụng làm tăng ngưỡng hưng phấn của các sợi cơ, giảm cường độ của quá trình trao đổi chất, giảm phù nề, giảm đau ở vùng chấn thương. Giảm co thắt cơ dẫn đến cải thiện tuần hoàn và kết quả là giảm rối loạn chuyển hóa ở vùng bị chấn thương.

Băng ép: Dùng băng vải hay băng chun băng ép vùng chấn thương đủ để giảm phù nề và tạo điểm tựa vững chắc cho vùng cơ khớp bị chấn thương. Băng ép vùng chấn thương tiến hành trong thời gian chườm lạnh bằng cách băng đè lên khối nước đá và trong thời gian giữa hai đợt chườm lạnh.

Giữ cao tư thế: Vùng tổn thương cần được giữ ở tư thế nâng cao để tránh tình trạng ứ máu và hạn chế phát triển phù nề. Tùy theo bộ phận chấn thương mà ta có tư thế treo cao cho phù hợp để không cản trở tới sinh hoạt của người tập. Người tập bị chấn thương vùng chi dưới cần nằm và có thể dùng gối để đệm nâng cao chi dưới bị đau.

PGS.TS. Lê Quý Phượng

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét