Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2010

Những điều cần làm khi gặp chấn thương thể thao

Bất cứ ai cũng có nguy cơ gặp phải chấn thương trong khi luyện tập thể thao, nhất là đối với những vận động viên chuyên nghiệp. Chấn thương thể thao được phân chia ra làm nhiều loại và ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên đa số là các loại chấn thương cơ, dây chằng và khớp. Trong trường hợp này, người bị chấn thương nên làm gì? Dưới đây là một vài lời khuyên của các chuyên gia.
Dừng ngay việc luyện tập




Điều đầu tiên mà bạn cần làm đó là: Dừng ngay việc tập luyện (rest), bởi lúc này mọi cử động liên quan đến phần cơ, dây chằng và khớp sẽ càng làm tăng thêm sự nguy hiểm với chấn thương.


Chườm lạnh


Chườm lạnh mục đích để giảm sưng nề, giảm đau và giảm xuất huyết tại bộ phận cơ - khớp bị chấn thương. Các chuyên gia đã chứng minh rằng quá trình liền vết thương và thời gian phục hồi được rút ngắn rất nhiều nếu như trong 72 giờ đầu sau chấn thương chúng ta chường lạnh đều đặn và đúng cách.

- Để chườm lạnh, ta lấy một chút đá lạnh, đập nhỏ vừa phải, bọc trong túi nilon hoặc túi vải mỏng, sạch. Giữ túi đá trên vùng chấn thương và xoa đều nhẹ, theo hình vòng tròn đồng tâm từ trong ra ngoài. Thời gian chườm có thể từ 5-10 phút tuỳ theo bộ phận bị chấn thương.

- Không được áp chặt túi đá lạnh hoặc giữ quá lâu tại một vị trí trên vùng chấn thương để tránh bị bỏng lạnh. Chúng ta có thể chườm làm nhiều lần và cách nhau từ 2 tới 4 tiếng và trong 3 ngày đầu. Đặc biệt nếu bị chấn thương các bộ phận như cổ chân, khớp gối, cơ vùng đùi, cẳng chân…chúng ta có thể chườm bất cứ khi nào sau khi đi lại mà thấy có biểu hiện đau sưng nề.

- Lưu ý rằng nếu ta chườm nhiều lần gần nhau thì cần giảm thời gian của mỗi lần chườm, (chỉ cần bề mặt tại khu vực chườm tương đối lạnh là được).

- Không được chườm lạnh nếu chấn thương có kèm theo gãy xương hở (ổ gãy thông với bên ngoài qua chỗ rách da) và vết thương chảu máy chưa được sát trùng, băng vô khuẩn.

Cần dùng băng ép


Dùng băng chun thể thao chuyên dụng hoặc có thể dùng băng vải mềm quấn quanh vùng chấn thương. Về kỹ thuật chúng ta cần lưu ý quấn băng làm nhiều lớp, lớp sau chồng lên khoảng 2/3 bề mặt lớp băng trước. Băng quấn cần chặt vừa phải, để vừa đủ tạo một lực ép nhẹ lên bề mặt bộ phận mô bị chấn thương. Kinh nghiệm của chuyên gia cho rằng, nếu sau khi băng, ta luồn ngón tay xuống dưới lớp băng mà cảm thấy hơi khó là được.

Nếu sau khi băng vài phút chúng ta thấy chân hoặc tay làm cho căng tắc, đau và thậm chí thâm tím tại các đầu ngón tay, chân, thì ngay lập tức cần tháo bỏ băng ra. Sau đó 30 phút thì băng lại nhẹ nhàng hơn.



Nâng cao tư thế


Việc nâng cao tư thế thường rất hữu dụng nếu bị chấn thương ở vùng cẳng bàn chân, đùi và bàn tay, cẳng tay. Mục đích của biện pháp này là để giảm sưng nề, giảm đau. Chúng ta chỉ cần làm một cách đơn giản là gác chân hoặc treo tay làm sao cho cao hơn chân, tay bên không bị chấn thương là được. Ví dụ khi nằm chúng ta có thể kê gối mềm dưới cẳng chân trong trường hợp chấn thương khớp gối, cẳng chân…



Chú ý: Các biện pháp trên được áp dụng trong giai đoạn đầu tiên ngay sau chấn thương, còn gọi là sơ cứu ban đầu, sau đó cần nhanh chong đưa người bị chấn thương đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chuẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị thích hợp.

Với các trường hợp chấn thương nặng: gãy xương lớn như xương đùi, xương cẳng chân…hoặc chấn thương các bộ phận nguy hiểm như vùng bụng, vùng hàm mặt…chúng ta nhất thiết cần tới khám tại các bệnh viện càng nhanh càng tốt.



ThS. BS. Nguyễn Văn Phu

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét